Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm chính thức Campuchia

Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21-22/12/2021...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm Campuchia - Ảnh: TTXVN

Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm có Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam tới Campuchia sau khi bộ máy lãnh đạo cấp cao được kiện toàn sau Đại hội Đảng XIII và là chuyến thăm Campuchia đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ông cũng là lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Campuchia kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Chuyến thăm nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời thể hiện sự coi trọng và phát triển quan hệ với các nước láng giềng. Chuyến thăm cũng là một trong những sự kiện đầu tiên khởi đầu chuỗi hoạt động chào mừng “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam” và kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (24/6/1967-24/6/2022).

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng, đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Quan hệ Việt Nam - Campuchia từ đầu năm 2021 đến nay tiếp tục đà phát triển tích cực trên các lĩnh vực, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Về chính trị, các tiếp xúc, trao đổi cấp cao được duy trì dưới nhiều hình thức. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, lãnh đạo hai bên đã có nhiều cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến và cả tiếp xúc trực tiếp.

Trong đó, đáng chú ý có cuộc điện đàm ngày 3/2 giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Samdec Techo Hun Sen với tư cách Chủ tịch Đảng CPP ngay sau khi Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen ngày 11/2; hội đàm trực tuyến 3 bên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ngày 10/3; các cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Hun Sen với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 5/4 và với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 6/4, ngay sau khi kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV của ta đã bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ nhiệm kỳ mới; hội đàm trực tuyến giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin ngày 3/6...

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen đã có cuộc gặp song phương trực tiếp tại Jakarta, Indonesia ngày 24/4 bên lề Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN.

Trong các cuộc tiếp xúc và trao đổi, lãnh đạo hai nước chia sẻ thông tin về tình hình mỗi nước, quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề thế giới và khu vực cùng quan tâm; qua đó tiếp tục thể hiện quyết tâm hợp tác chặt chẽ nhằm không ngừng củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam – Campuchia trong thời gian tới.

Về hợp tác ứng phó Covid-19, phát huy tinh thần “tương thân tương ái” chia sẻ những khó khăn trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại mỗi nước.

Trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp cho Chính phủ và nhân dân Campuchia cả tiền và vật tư y tế, trong đó có thiết bị và bộ xét nghiệm PCR tổng trị giá khoảng 300.000 USD. Riêng trong 2021, Đảng và Chính phủ ta đã tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho Campuchia 500.000 USD tiền mặt và nhiều vật tư, thiết bị y tế như 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300 nghìn khẩu trang N95 trị giá khoảng 10 triệu USD, góp phần thiết thực và hiệu quả vào nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Campuchia.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương của ta cũng có nhiều hình thức hỗ trợ trực tiếp đối tác phía Campuchia, thể hiện truyền thống sẵn sàng chia sẻ, tương trợ bạn lúc khó khăn, đóng góp ý nghĩa vào việc tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước. Phía Campuchia đã tổ chức trọng thể các lễ tiếp nhận, ra thông cáo báo chí, gửi thư cảm ơn Lãnh đạo Việt Nam trong đó bày tỏ sự trân trọng đối với sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Việt Nam.

Đáp lại, Chính phủ, Hội chữ thập đỏ Campuchia, Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam và nhân dân Campuchia đã tặng ta 200.000 liều vaccine Sinopharm, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy tạo oxy và 350.000 USD tiền mặt.

Về an ninh – quốc phòng, hai bên phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới; tăng cường, duy trì tuần tra chung trên biển, hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia.

Về kinh tế: 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Campuchia đạt 7,873 tỷ USD, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm 2020[1]. Đến nay, Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,846 tỷ USD, nằm trong top 5 nước có đầu tư lớn nhất tại Campuchia.

Về biên giới, cơ quan chuyên trách hai nước đang tích cực phối hợp để tổ chức cuộc họp giữa Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc đất liền nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của hai văn kiện pháp lý là Hiệp ước bổ sung 2019 và Nghị định thư ghi nhận kết quả phân giới cắm mốc đất liền 84%.

Hai bên cũng chuẩn bị tiến hành bàn giao khu vực quản lý quá sang nhau so với đường biên giới; đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định quy chế biên giới thay thế Hiệp định quy chế 1983; đồng thời đàm phán giải quyết các đoạn biên giới còn tồn đọng trên tinh thần láng giềng tốt đẹp, để xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hai bên đã tổ chức thành công Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới lần thứ 11.

Về văn hóa - giáo dục, Chính phủ hai nước đã phối hợp chặt chẽ, tao điều kiện cho khoảng sinh viện đang theo học tại nước kia quay trở lại học tập, trong đó miễn phí cách ly và tiêm phòng vaccine.

Về hợp tác đa phương, hai bên đã và đang tích cực phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là ASEAN (Campuchia là Chủ tịch năm 2022), các cơ chế hợp tác tiểu vùng (HNCC GMS-7 trong năm 2021), ASEM (HNCC ASEM-13 năm 2021)...

Quang Thanh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-len-duong-tham-chinh-thuc-campuchia.htm