Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Quảng Trị đã viết nên câu chuyện cổ tích có thật về 'thép nở hoa'

Tối 29/4, tại Thành phố Đông Hà, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Cùng dự buổi lễ có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UB TƯMT TQ Việt Nam; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, Quân khu 4; các vị khách quốc tế; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Llực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động, đông đảo nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự tại buổi lễ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự tại buổi lễ.

Đọc diễn văn buổi lễ, ông Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh: Thắng lợi chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, thị xã Quảng Trị đã tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cho Bắc-Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quảng Trị có một vai trò, vị trí và giá trị đặc biệt trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó phải kể đến mốc son của 50 năm trước, đó là sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ là bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung, góp phần buộc Mỹ phải nối lại đàm phán, tiến đến ký kết Hiệp định Paris; là cơ sở để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất Tổ quốc.

"Đến với Quảng Trị hôm nay, 50 năm sau ngày giải phóng, chúng ta chứng kiến sự đổi thay, vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, khí thế mới. Quảng Trị đã viết nên câu chuyện cổ tích mà có thật về "thép nở hoa".

Sự hồi sinh thật khó hình dung từ một vùng đất bom cày đạn sới, nay từ diện mạo kinh tế đến đời sống xã hội tỉnh Quảng Trị không ngừng phát triển, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Ghi nhận những thành quả đã đạt được, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho tỉnh nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị vinh dự lần thứ 2 được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã giành được trong suốt 50 năm qua.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Trị chú trọng một số vấn đề. Thứ nhất, phát huy tính năng động, đổi mới, sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh hạnh phúc; thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo của tỉnh vì lợi ích chung; tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Thứ hai, cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tích cực cải cách hành chính; thu hút đầu tư có chất lượng; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn cao, khả năng thích ứng trước những thay đổi và đòi hỏi của sự phát triển kinh tế-xã hội; phát huy tài nguyên vốn con người, nhất là đặc tính thông minh, hiếu học, cần cù, chịu khó của người dân đất miền trung Quảng Trị.

Thứ ba, ưu tiên nguồn lực và ngân sách để phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, logistics trọng yếu của tỉnh, nhất là hệ thống giao thông huyết mạch, đặc biệt là các tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn, Cam Lộ-Vạn Ninh; đầu tư các công trình, dự án tạo động lực kích thích và lan tỏa kinh tế của tỉnh như các tuyến đường bộ từ cửa khẩu Quốc tế La Lay, Lao Bảo về cảng nước sâu Mỹ Thủy, phát huy lợi thế tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây; phối hợp các tỉnh bạn Lào (Savannakhet, Salavan) nghiên cứu các chính sách chung cho phát triển kinh tế biên giới; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp Quảng Trị làm hạt nhân, động lực cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, tạo việc làm tốt và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ các nút thắt phát triển, tạo đột phá thực sự cho các ngành kinh tế có tiềm năng dựa trên các lợi thế của tỉnh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển. Theo đó, Quảng Trị cần tìm cách phát huy lợi thế là tỉnh cửa ngõ ra biển Đông, xây dựng và phát triển các trục kinh tế kết nối Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị với Hành lang kinh tế Đông Tây và Khu kinh tế-thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Tại buổi lễ cũng đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt "Khát vọng Quảng Trị" với nhiều tiết mục đặc sắc.

Tại buổi lễ cũng đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt "Khát vọng Quảng Trị" với nhiều tiết mục đặc sắc.

Thứ năm, chú trọng đầu tư xứng đáng cho giáo dục và y tế, thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm chăm lo tốt những đối tượng chính sách, gia đình người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người nghèo, trẻ em khó khăn, người yếu thế trong xã hội; thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng, biến nơi đây thành những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ không chỉ trong tỉnh mà cho thế hệ trẻ cả nước.

"Hãy phấn đấu để vĩ tuyến 17, sông Bến Hải trở thành biểu tượng trỗi dậy mới về phát triển kinh tế-xã hội, hãy tạo nên những "kỳ tích sông Thạch Hãn và sông Bến Hải," để tri ân các bậc tiền nhân, xương máu của cha ông đã hòa xuống những dòng sông bất tử; xứng đáng với trang sử hào hùng, oanh liệt của vùng đất địa danh này"- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ.

Trong khuôn khổ buổi lễ cũng đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt "Khát vọng Quảng Trị". Chương trình do Bộ VHTTDL phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức gồm 3 phần chính: Quê hương giải phóng; Dòng sông hoa đỏ; Quảng Trị ngày mới đã khắc họa sinh động, rõ nét về mảnh đất và con người Quảng Trị anh hùng từ trong chiến tranh đến hiện tại hòa bình và vươn lên phát triển./.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-quang-tri-da-viet-nen-cau-chuyen-co-tich-co-that-ve-thep-no-hoa-2022043000491327.htm