Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Ninh Bình

Chiều 2-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường; tác động tới mọi mặt của xã hội, môi trường, an ninh trật tự và an toàn xã hội. Vui mừng vì Ninh Bình có đến 330.000 người tham gia kinh tế tập thể với thu nhập khá, chiếm đến gần 60% tổng số lao động của tỉnh, Chủ tịch nước đánh giá, Ninh Bình đã giải quyết tốt vấn đề phúc lợi, quyền lợi của xã viên; quan tâm đến người lao động và có chiến lược phát triển kinh tế tập thể. Tỉnh cũng đã có sự hỗ trợ về nguồn vốn, quỹ, chính sách phù hợp với các quy định về bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tôn trọng các nguyên tắc của thị trường, không quay lại cơ chế bao cấp phi kinh tế áp đặt kiểu cũ. Chủ tịch nước đề nghị Ninh Bình cần khai thác lợi thế, tiềm năng lợi thế xã hội, lợi thế về số đông để tạo được sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp cũng như các lĩnh vực nông thôn. Đặc biệt, có thế mạnh về du lịch, công nghiệp, cơ khí và một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp thì Ninh Bình càng phải vận dụng phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình Hợp tác xã Bồ Bát, xã Yên Thành (Yên Mô, Ninh Bình).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình Hợp tác xã Bồ Bát, xã Yên Thành (Yên Mô, Ninh Bình).

Để mô hình kinh tế hợp tác xã thành công, Chủ tịch nước cho rằng cần phải xây dựng một tổ chức hợp tác xã hiện đại kiểu mới, vượt lên tư duy về mô hình hợp tác xã truyền thống; phải vốn hóa được quyền lợi, khắc phục tình trạng tổ chức cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả. Các hợp tác xã, tổ hợp tác phải có tầm nhìn, có tầm nhìn chiến lược để cùng nhau đi xa. Bên cạnh đó là áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, thậm chí có thể thuê các giám đốc điều hành chuyên nghiệp có năng lực quản trị thực sự để tạo ra giá trị gia tăng mới; tăng cường thu hút được nhân lực có tri thức và kỹ thuật, nâng cao cạnh tranh với tập đoàn, doanh nghiệp. Chủ tịch nước cũng lưu ý đến việc mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản trị để tăng năng suất và sức cạnh tranh... Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương tiếp tục tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế hợp tác xã, kinh tế tập thể. Chính quyền, cấp ủy các cấp cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa về cơ chế, chính sách, nguồn lực, cơ hội để hợp tác xã có thể phát huy thế mạnh đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị để vận động hội viên; giám sát thực hiện chính sách pháp luật phát triển kinh tế tập thể ở địa phương. Đặc biệt, Chủ tịch nước lưu ý cần nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trong cả nước.

* Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hai hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ đang hoạt động hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn Ninh Bình. Chủ tịch nước đã thăm HTX sản xuất, dịch vụ gốm thương mại Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô). Tham quan dây chuyền sản xuất, thăm hỏi đời sống, điều kiện làm việc của các xã viên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng và đánh giá cao cá nhân anh Phạm Văn Vang và HTX Bồ Bát đã khôi phục nghề gốm có lịch sử nghìn năm của địa phương; phát huy hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. HTX cũng tích cực áp dụng khoa học-công nghệ để sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Người lao động ở HTX dù còn trẻ tuổi nhưng đã có tay nghề cao. Chủ tịch nước đề nghị huyện Yên Mô, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho HTX Bồ Bát hoạt động hiệu quả, mở rộng quy mô, trong đó có hỗ trợ về vốn, mặt bằng, đào tạo tay nghề, giới thiệu và quảng bá sản phẩm ra thị trường; khai thác, tận dụng tốt nguồn nguyên liệu nhưng cần bảo đảm phục hồi mặt bằng.

Chủ tịch nước cũng đã tới thăm HTX Sinh Dược ở huyện Gia Viễn. Đây là mô hình HTX kiểu mới, có quy chế hoạt động tương tự như một công ty cổ phần, vừa có thể hoạt động độc lập lại vừa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước. Mô hình này rất phù hợp với nông thôn và người nông dân ở làng quê.
Bày tỏ niềm vui được chứng kiến một mô hình HTX kiểu mới, hiệu quả, sáng tạo như cơ sở Sinh Dược, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đất nước Việt Nam giàu tiềm năng, dân tộc Việt Nam giàu tri thức trong tự nhiên và cả trong dân gian; trong đó có cả y sinh dược. Chủ tịch nước đánh giá, HTX Sinh Dược đã sáng tạo trong việc quản lý, xây dựng mô hình hoạt động của một HTX kiểu mới, đặc biệt là phát huy tốt tiềm năng của địa phương, nhất là vùng nguyên liệu sẵn có để phát triển các sản phẩm mới mang đậm dấu ấn truyền thống.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các huyện Gia Viễn, Yên Mô tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần phát triển địa phương. Trong đó cần quan tâm hỗ trợ về vốn, mặt bằng, đào tạo tay nghề, giới thiệu và quảng bá sản phẩm ra thị trường, nhất là các sản phẩm có tính sáng tạo cao, được thị trường ưa chuộng như của các HTX Sinh Dược và Bồ Bát.

Tin, ảnh: TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-tham-va-lam-viec-tai-ninh-binh-676211