Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu. Ảnh: NGUYỄN NAM

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu. Ảnh: NGUYỄN NAM

Theo TTXVN, ngày 17-1, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng cá nhân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.

Quá trình công tác của ông Nguyễn Xuân Phúc

Theo trang thông tin Đại hội Đảng XIII của TTX VN, ông Nguyễn Xuân Phúc, sinh ngày 20-7-1954; quê quán xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XIII, XIV, XV. Chủ tịch nước (từ ngày 5-4-2021).

Trước khi làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc trải qua nhiều chức vụ từ địa phương đến trung ương:

- Từ năm 2004-2006: Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa 19, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khóa 7; Đại biểu HĐND tỉnh khóa 7; ĐBQH khóa XI, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

- Từ tháng 3-2006 đến tháng 5-2006: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ 6-2006 - 8-2007 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ; Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

- Từ tháng 8-2007 đến tháng 1-2011: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

- Từ tháng 1-2011 - 7-2011: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI; Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

- Từ tháng 8-2011 đến 1-2016: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI; Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu lại vào Bộ Chính trị.

- Từ tháng 1-2016 đến tháng 4-2016: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.

- Ngày 7-4-2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

- Từ tháng 4-2016 đến tháng7-2016: Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.

- Ngày 26-7-2016, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

- Từ tháng 7-2016 đến 4-2021: Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương… Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu lại vào Bộ Chính trị khóa XIII.

- Từ ngày 5-4-2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 3 vào chiều 18-1

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, có thông cáo báo chí với nội dung: căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14; Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24-11-2015 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong buổi chiều 18-1, tại nhà Quốc hội.

V.Duẩn

ĐÔNG BẮC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-thoi-giu-cac-chuc-vu-20230117222020531.htm