Chủ tịch nước Tô Lâm dự lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18
Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tối nay (21/6), tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Chủ tịch nước Tô Lâm dự, phát biểu và trao giải tại Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; lãnh đạo một số bộ, ngành, Hội Nhà báo Việt Nam; các nhà báo lão thành cùng nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí.
Trong số 1.905 tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII có 165 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 18. Các tác phẩm dự Giải đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2023. Đặc biệt đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước với những mảng đề tài nổi bật như: Nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020-2030; Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc; Các đề tài về văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hóa tại cộng đồng; bảo vệ các giá trị văn hóa trong thời kỳ mới.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi đến các thế hệ nhà báo, người làm báo, công chúng báo chí trong, ngoài nước những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch nước nhiệt liệt chúc mừng 122 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - giải thưởng cao quý nhất của Hội nhà báo dành tặng các tác phẩm báo chí, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất năm 2023. Theo Chủ tịch nước, các tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII đã phản ánh bức tranh lao động sôi động của báo giới cả nước trong năm qua, đồng thời đại diện cho thành tựu to lớn của đội ngũ những người làm báo Việt Nam hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam:
“Năm 2025, chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa đất nước hoàn thành thắng lợi mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN. Đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị cần tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", "vừa hồng, vừa chuyên", phải luôn thường trực lời Bác dạy "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, cũng chớ nói, chớ viết càn", "tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được"; kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung. Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị:
“Phát huy cao độ vai trò của báo chí - công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, có nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí có tính lý luận và chính luận cao. Tập trung tuyên truyền, cổ động, tập hợp quần chúng thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng; giáo dục, hướng dẫn các giai tầng trong xã hội hành động theo chuẩn mực, đạo đức xã hội chủ nghĩa; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần; không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực vươn lên cho sự phát triển của đất nước”.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu báo chí thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; thông tin báo chí cách mạng phải thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu trong không gian số. Xác định rõ mục tiêu, lộ trình, triển khai chuyến đổi số mạnh mẽ và có kết quả cụ thể. Chú trọng thúc đẩy tất cả các yếu tố trong các giai đoạn của chuyển đổi số báo chí, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trên các nền tảng số, nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt quan tâm nghiên cứu công chúng và các hình thức sản phẩm có sức hấp dẫn, khả năng tương tác cao, lan tỏa sâu rộng trong công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.
Chủ tịch nước tin tưởng, tiếp nối truyền thống 99 năm ra đời và phát triển, với kinh nghiệm, bản lĩnh, ý chí, đội ngũ những người làm báo-lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin cậy giao phó.
Tham gia dự thi tại Giải báo chí Quốc gia lần này, Liên Chi hội Đài Tiếng nói Việt Nam giành 2 giải A và 1 giải C. Trong đó, Tác phẩm: Trở về, của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Phạm Huân và Nguyễn Quỳnh Hoa-Ban Thời sự giành giải A; Tác phẩm: Loạt 3 bài: Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số “bị nhốt” trong kho bạc, của nhóm tác giả Trịnh Đình Thiệu, Nguyễn Long Phi-Cơ quan Thường trú khu vực miền Trung giành giải A và loạt 3 bài: Chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, sợ sai-Ai không làm đứng sang một bên của tác giả Phạm Thanh Hà-Cơ quan Thường trú khu vực miền Trung giành giải C.