Chủ tịch nước: Việt Nam nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch

Chiều 25/2 giờ địa phương, tại Singapore diễn ra Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore với sự tham dự của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hai nước.

Phiên đối thoại là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tới các doanh nghiệp, các nhà phân phối, khách hàng tại Singapore về các sản phẩm, dự án. Đây cũng là cơ hội tốt đối với các nhà đầu tư của Singapore, biết đến Việt Nam - điểm đến hấp dẫn, tiềm năng, đang trên đà phục hồi.

Doanh nhân hai nước bày tỏ sẵn sàng đầu tư vào nhau trên cơ sở mối quan hệ Đối tác chiến lược đang ngày càng được tăng cường giữa Việt Nam và Singapore cũng như những cơ hội và cơ chế ưu đãi đầu tư của mỗi nước.

Bộ trưởng nguồn nhân lực, kiêm bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng bày tỏ sự vui mừng vì sau 2 năm gián đoạn, Singapore đã đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới thăm kể từ khi đại dịch bùng phát. Tháp tùng Chủ tịch nước còn có rất nhiều quan chức, doanh nghiệp Việt Nam, và hôm nay là doanh nghiệp Singapore, để hai bên cùng có cuộc đối thoại trực tiếp.

Chủ tịch nước dự đối thoại doanh nghiệp hai nước.

Chủ tịch nước dự đối thoại doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Tan See Leng nêu ra những con số để minh chứng cho xu thế "không thể cưỡng lại" trong hợp tác đầu tư, kinh tế giữa hai nước. Đó là kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 27 tỷ USD Singapore năm 2021, tăng hơn 7% ngay giữa đại dịch; hình mẫu khu công nghiệp VSIP đã mở ra ở 10 tỉnh, thành tại Việt Nam, với 15,6 tỷ USD vốn đầu tư…

Những kết quả đó đã thể hiện sự tin tưởng của chính phủ hai nước vào sự hợp tác. Ông khẳng định, Việt Nam và Singapore sẽ tìm kiếm thêm nhiều hợp tác song phương mới, trên nền tảng hợp tác thành công những thập kỷ qua. Và chắc chắn Việt Nam sẽ có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc muốn được lắng nghe và cùng trao đổi về những giải pháp đột phá, những cơ hội mới nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.

Chủ tịch nước dẫn câu nói của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi so sánh vị thế về địa chính trị, tài nguyên, nguồn nhân lực con người: "Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực". Câu nói đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông Lý Quang Diệu và luôn là lời động viên chân thành đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Điểm qua tình hình kinh tế Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, năm 2021 có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Việt Nam đã và đang tập trung phát huy nội lực, thực hiện “mục tiêu kép”. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, GDP cả năm tăng 2,58%. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% với gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới. Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ, là nước đứng thứ 3 ASEAN và xếp hạng 14/50 khu vực châu Á về quy mô kinh tế internet.

Nhiều nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam để mở rộng hoạt động kinh doanh, coi Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai. Đến nay, Việt Nam có trên 34.600 dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư trên 415 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Chủ tịch nước cho biết, bước sang 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; đầu tự kết cấu hạ tầng quan trọng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch nước và đại diện một số doanh nghiệp, tập đoàn.

Chủ tịch nước và đại diện một số doanh nghiệp, tập đoàn.

Mục tiêu 2022 là phấn đấu tăng GDP đạt 6- 6,5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP 2022 của Việt Nam có thể tăng khoảng 6,5%, còn báo cáo Oxford Economics (12/2021) dự báo là trên 6%.

Người đứng đầu Nhà nước nhận định về quan hệ Việt Nam - Singapore đang bước sang giai đoạn phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo 2 nước khuyến khích kết nối 2 nền kinh tế hiện nay hướng đến tầm cao mới là “Kết nối 2 nền kinh tế trên nền tảng số”, toàn diện về đầu tư, thương mại, tài chính, giáo dục đào tạo, logistic, công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ...

Singapore là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN với gần 2.900 dự án và 66,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2/140; kim ngạch thương mại 2021 đạt 8,3 tỷ USD (tăng hơn 23%). Singapore cũng là cửa ngõ để các Tập đoàn đa quốc gia và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam và giúp Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn với thế giới.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, tiềm năng hơn đầu tư, kinh doanh hai bên có tính liên kết và bổ sung cho nhau cùng phát triển.

Tại đối thoại, Chủ tịch nước, lãnh đạo bộ ngành Việt Nam cùng đại diện Bộ Công Thương Singapore đã chứng kiến lễ trao một số biên bản ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Tại đối thoại, Chủ tịch nước, lãnh đạo bộ ngành Việt Nam cùng đại diện Bộ Công Thương Singapore đã chứng kiến lễ trao một số biên bản ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Singapore lần này, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng được chứng kiến nhiều bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế số, đổi mới sáng tạo, tài chính - ngân hàng, năng lượng, logistics, giáo dục, y tế... được ký kết giữa bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước.

Để phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore, Chủ tịch nước cho rằng cần đẩy mạnh, thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Hai nước cũng cần phối hợp đẩy mạnh liên kết kinh tế trong ASEAN và khu vực, phát huy hiệu quả của Hiệp định CPTPP, đưa Hiệp định RCEP đi vào triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích cho các nước thành viên và toàn khu vực. Triển khai nâng tầm Hiệp định kết nối 2 nền kinh tế trên nền tảng số, mở cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh. Các doanh nghiệp Singapore chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch theo các cam kết tại các Hiệp định FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, toàn diện như CPTPP và hướng đến các chuẩn mực của OECD.

Đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; hoàn thiện thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực. Phát triển các chuỗi cung ứng, thiết thực giảm chi phí giao dịch (về logistics và chi phí hành chính). Xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Ngày 25/2, trong khuôn chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Singapore, HDBank đã ký kết thỏa thuận hợp hợp tác với Tập đoàn Thought Machine - nhà cung cấp giải pháp ứng dụng lõi cho các ngân hàng hàng đầu trên thế giới.

Tại Việt Nam, HDBank hợp tác với Thought Machine để triển khai giải pháp ngân hàng lõi thế hệ mới nhất hàng đầu thế giới nhằm thay thế giải pháp ngân hàng lõi hiện tại và xây dựng một tiêu chuẩn mới cho công nghệ ngân hàng lõi hiện đại trong tương lai.

Theo đó, HBank và Thought Machine cam kết hợp tác phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ đám mây hiện đại Amazon Web Services (AWS) cho lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Cụ thể, Thought Machine sẽ cung cấp các hệ thống đổi mới sáng tạo cho HDBank nhằm hỗ trợ HDBank tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại linh hoạt, chủ động ứng dụng công nghệ ngân hàng lõi sử dụng kiến trúc dịch vụ siêu nhỏ (Microservice) dựa trên nền tảng công nghệ đám mây.

Đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) - Tổng Giám đốc Ngân hàng số Marcin Miller trao thỏa thuận về tích hợp giải pháp công nghệ tiên tiến cho dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam cho Giám đốc Điều hành Châu Á Thái Bình Dương của Công ty Thought Machine (Anh) - Nick Wilde

Đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) - Tổng Giám đốc Ngân hàng số Marcin Miller trao thỏa thuận về tích hợp giải pháp công nghệ tiên tiến cho dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam cho Giám đốc Điều hành Châu Á Thái Bình Dương của Công ty Thought Machine (Anh) - Nick Wilde

Gần 11 tỷ USD cam kết hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam-Singapore

Tại đối thoại các doanh nghiệp hai nước đã ký kết và trao văn kiện hợp tác trị giá gần 11 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, riêng tập đoàn SOVICO cùng các đối tác liên quan đã có chuỗi thỏa thuận với tổng trị giá lên tới 5,2 tỉ USD.

SOVICO cùng tập đoàn Keppel các công ty thành viên Keppel Land, Keppel Urban Solutions trao thỏa thuận về phát triển các giải pháp năng lượng và đô thị hóa bền vững tại Việt Nam trị giá 1,5 tỷ USD. SOVICO và Công ty Keppel Energy Ventures cũng trao thỏa thuận hợp tác về khai thác công nghệ bền vững và phát triển các giải pháp năng lượng bền vững toàn diện, chuyển đổi thành nền kinh tế xanh và giảm phát thải carbon trị giá 1,5 tỷ USD.

SOVICO, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Changi Airport trao thỏa thuận về cung cấp dịch vụ hàng không tại các sân bay Việt Nam trị giá 1,5 tỷ USD. Hãng Hàng không Vietjet và Tập đoàn ST Engineering (Singapore) trao Hợp đồng cung ứng dịch vụ kỹ thuật và thiết bị tàu bay trị giá 150 triệu USD.

Cũng trong dịp này, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HD Bank) và Công ty Thought Machine (Anh) trao thỏa thuận về tích hợp giải pháp công nghệ tiên tiến cho dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam.

Trần Thường từ Singapore

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chu-tich-nuoc-viet-nam-no-luc-tao-lap-moi-truong-kinh-doanh-thuan-loi-minh-bach-818700.html