Chủ tịch Quốc hội: Chống tham nhũng 'không có vùng cấm, sai tới đâu, xử lý đến đó'
'Cử tri nói trong nhiệm kỳ này xử lý nhiều cán bộ trung ương quản lý. Ở đây không phải sai ở nhiệm kỳ này, mà còn ở nhiệm kỳ trước. Nên sai tới đâu xử lý tới đó, không có sự bao che, cử tri an tâm', Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Ngày 30/9, tại thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang có buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Cử tri kiến nghị về giáo dục, y tế
Tại hội nghị, bà Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho biết, dự kiến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 21/10, bế mạc ngày 30/11/2024, theo 2 đợt (đợt 1 từ ngày 21/10 -1 3/11; đợt 2 từ ngày 20/11 - 30/11). Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Cử tri Bùi Văn Dũng cho biết, hiện nay Hậu Giang thiếu hàng trăm giáo viên, nếu không khắc phục thời gian tới sẽ tiếp tục thiếu. Ông Dũng cũng kiến nghị xem xét lại chương trình giáo dục hiện nay, vì trẻ em học quá nặng, không còn thời gian nghỉ hè như trước…
Về bảo hiểm y tế, cử tri phản ánh, tiền bảo hiểm tăng nhưng số lượng thuốc, tinh thần thái độ phục vụ cũng không tăng, trong khi người dân gặp khó khăn, đặc biệt người bệnh hiểm nghèo, gia đình chính sách...
Đề nghị Quốc hội có chính sách bảo hiểm y tế với thân nhân của thương binh 3/4 và 4/4, cử tri Nguyễn Hoàng Chiến (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) cũng nêu thực trạng chất lượng thuốc bảo hiểm y tế không hiệu quả bằng thuốc mua ngoài.
Bão số 3 gây thiệt hại hơn 81.000 tỷ đồng
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin đến cử tri tình hình đất nước thời gian qua, những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong bối cảnh hiện nay.
Về ảnh hưởng cơn bão số 3, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cơn bão đã ảnh hưởng tới 26 tỉnh thành phía Bắc, hàng trăm người chết, ước thiệt hại 81.000 tỷ đồng, làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước 0,15%... Các địa phương bị ảnh hưởng rất cần sự chia sẻ từ các vùng miền khác.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hậu Giang cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn từ cấp xã, cấp huyện, nhất là chăm lo đời sống cho người dân. Việc gì xã làm được thì xã làm ngay, huyện làm được huyện làm ngay, tỉnh làm được tỉnh làm ngay, không trông chờ vào Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng khi Hậu Giang đạt được những thành tựu thời gian qua, cho thấy sự bứt phá đi lên trong 20 năm thành lập tỉnh. Dù vậy, Hậu Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn khó khăn về hạ tầng, hạn chế trong ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn…
“Trình độ dân trí của Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp so với các vùng khác, làm sao để không thiếu giáo viên. Hôm qua tôi nói ở diễn đàn Quốc hội trẻ em, ngành giáo dục phải “thầy ra thầy, trò ra trò”; ngành y thì “thầy thuốc như mẹ hiền”, phải đối xử công bằng trong các dịch vụ y tế. Cử tri nêu rất đúng, phải hết sức quyết liệt vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hậu Giang rà lại quy định nào không còn phù hợp thì bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo, sửa sang trường lớp, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo thực hiện tốt chương trình giáo dục...
Nói về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ quan điểm “không có vùng cấm”, xử lý nhân văn, nhân ái, công khai, sai tới đâu xử lý tới đó.
"Cử tri nói trong nhiệm kỳ này xử lý nhiều cán bộ trung ương quản lý. Ở đây không phải sai ở nhiệm kỳ này, mà còn ở nhiệm kỳ trước. Nên sai tới đâu xử lý tới đó, không có sự bao che, cử tri an tâm”, Chủ tịch Quốc hội nói.