Chủ tịch Quốc hội: Công tác nhân sự phải chặt chẽ, khách quan
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cốt lõi của công tác bầu cử vẫn là thực hiện công tác nhân sự một cách chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cơ cấu, tỉ lệ đại diện hợp lý, nâng chất lượng đại biểu Quốc hội khóa mới.
Ngày 9-7, tại Nhà Quốc hội Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH), Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp Phiên toàn thể lần thứ Nhất để cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH
Sự kiện chính trị quan trọng
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nêu rõ cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) QH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ diễn ra vào ngày 15-3-2026
“Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhằm lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong nhiệm kỳ QH và HĐND khóa mới” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên các địa phương trong cả nước vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. Do đó, phải có hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ về công tác chỉ đạo để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công.
Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền sát dân hơn nữa, kết hợp xây và chống, kiên quyết, chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; quan tâm công tác bảo vệ chính trị nội bộ…
Tại phiên họp các thành viên đã nghe tờ trình, thảo luận và cho ý kiến cụ thể vào một số dự thảo làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động của Hội đồng Bầu cử…
Ghi nhận các dự thảo văn bản trình được chuẩn bị công phu, bài bản, tuy nhiên, Chủ tịch QH yêu cầu cần tiếp tục rà kỹ lưỡng để bảo đảm sự khoa học, linh hoạt, tính thực chất, trong hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG) trước khi trình ký.
Chủ tịch QH lưu ý bản phân công thành viên cần hoàn thiện, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan và địa phương.
“Phải có cập nhật trong phân công, chỉ đạo, để đảm bảo thành công. Như các ý kiến băn khoăn, trước đây bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp có cấp huyện nhưng giờ không còn cấp huyện vậy vai trò của của cấp tỉnh, cấp xã sẽ như thế nào...” – ông Trần Thanh Mẫn nói.

Quang cảnh Phiên toàn thể lần thứ Nhất của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ảnh: QH
Ứng dụng công nghệ thông tin trong bầu cử
Chủ tịch QH đề nghị thời gian tới, mọi hoạt động của HĐBCQG từ Trung ương tới cơ sở đều phải hướng đến sự bảo đảm tuyệt đối các nguyên tắc dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật trong công tác bầu cử. Chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, vật lực, kinh phí và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.
“Công tác bầu cử có phạm vi cả nước, khối lượng công việc rất lớn, thời gian ngắn, do đó phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Phải thiết lập cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa HĐBCQG với Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, ban, ngành, Chính quyền địa phương các cấp” - Chủ tịch QH lưu ý.
Chủ tịch QH cũng yêu cầu nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân, của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác bầu cử để đảm bảo triển khai một cách thực chất, hiệu quả.
Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong và sau bầu cử, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử.
Các cơ quan chức năng cần chủ động đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc, xuyên tạc về cuộc bầu cử, bảo vệ môi trường thông tin trong sạch, nhất là trên không gian mạng để cử tri yên tâm thực hiện quyền làm chủ…
“Cốt lõi của công tác bầu cử vẫn là thực hiện công tác nhân sự một cách chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cơ cấu, tỉ lệ đại diện hợp lý. Công tác nhân sự khi được làm chặt chẽ, khách quan, làm đúng ngay từ đầu sẽ hạn chế đơn từ khiếu nại, sẽ góp phần quyết định chất lượng ĐBQH khóa mới” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Các thành viên HĐBCQG biểu quyết thông qua về nguyên tắc các dự thảo nghị quyết trình tại Phiên họp
Chủ tịch QH cũng đề nghị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong tất cả các khâu của công tác bầu cử để đảm bảo thông suốt tới tất cả 34 tỉnh, TP, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã của cả nước.
Cũng tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của HĐBCQG, 100% các thành viên có mặt đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc các dự thảo nghị quyết trình tại Phiên họp.