Chủ tịch Quốc hội: 'Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không phải vừa đâu'
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 9. Tại phiên khai mạc, các đại biểu tham gia phiên họp cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một trong những ý kiến được đưa ra thảo luận tại phiên họp liên quan Điều 30 của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (Vinasme) cho rằng, dự án luật quy định vai trò trách nhiệm của hiệp hội là cơ sở pháp lý quan trọng để Vinasme cùng với VCCI và các hiệp hội ngành nghề khác chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên cơ sở này, sau khi luật được Quốc hội thông qua, Vinasme sẽ có các chương trình kế hoạch, hành động cụ thể đầy đủ các quy định của luật góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc.
Việc quy định nhiệm vụ trách nhiệm tại Điều 30 cũng là cơ sở cũng là cơ sở xác định trách nhiệm của từng chủ thể tránh tình trạng quy định trách nhiệm chung chung.
Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Vinasme cho biết: “Gần đây chúng tôi có nghe ý kiến, quan niệm Vinasme không phải là đại diện của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”.
Nhưng, ông Thân khẳng định rằng, với tư cách là Chủ tịch Vinasme, tham gia phát biểu tại hội trường ngày hôm nay thì Vinasme là đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông tái khẳng định Vinasme là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp theo chức năng của mình.
Theo ông Thân, Vinasme cũng tham gia một số tổ chức cơ quan, của mặt trận, của Chính phủ thì dứt khoát là đại diện của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vinasme rất nhiều năng lượng, khí thế để tham gia cùng cộng đồng doanh nghiệp. Vinasme mong muốn được giao nhiệm vụ.
“Chúng tôi xác nhận với Chủ tịch Quốc hội, giao chi tiết chúng tôi làm với tràn đầy sinh khí, nếu chung chung như trước thì không, và chưa thấy tác dụng lớn”, Chủ tịch Vinasme trình bày.
Trước đó, liên quan đến thảo luận về Điều 30, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điều chỉnh dự thảo chưa triệt để ở khoản 1 và khoản 2 của Điều 30.
Ông Lộc cho hay, điều này không đúng với tinh thần của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của của doanh nhân trong thời kỳ NHH-HĐH và điều lệ VCCI do Chính phủ phê duyệt.
VCCI là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, cho các hiệp hội doanh nghiệp, là tổ chức duy nhất có Đảng đoàn…. Đây là tổ chức đại diện quốc gia cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được ghi nhận chính thức.
Về khoản 2 của điều 30, theo ông Lộc, khi nói về doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có 99% là hội viên của VCCI. Bởi vậy, ông Lộc cho rằng điều này cần phải được thể hiện trong văn bản này. Theo Vũ Tiến Lộc, không nên tách riêng VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp ra.
Ồng Lộc đề nghị bỏ khoản 1 và 2 của Điều 30, đồng thời chỉ ghi nhận thành một điều khoản với nội dung VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp có các nhiệm vụ sau đây….
Trước tranh luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Tôi có ý kiến đề nghị Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội rà soát lại Điều 30 để đảm bảo quy định này không làm mất vai trò của ai hết nhưng làm rõ ra”.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, VCCI là đại diện của doanh nghiệp, doanh nhân nhưng yêu cầu thành lập nhóm doanh nghiệp theo giới nữ, theo giới trẻ, theo ngành nghề… thì mới cần thiết mới thành lập các hiệp hội.
Nhắc lại trăn trở về vai trò của Chủ tịch Vinasme, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không nhỏ đâu. Hiện nay chúng ta có 97-98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhỏ nhưng không phải là nhỏ, vừa nhưng không phải là vừa đâu”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát lại Điều 30 trong dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Liên quan đến tranh luận điều 30 của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mỗi tổ chức, hiệp hội có tôn chỉ mục đích riêng, không thể có tổ chức này là mẹ của tổ chức kia.
Đã là chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì càng nhiều tổ chức hỗ trợ càng tốt. “Tại sao chỉ là một VCCI, cho nên tôi nghĩ rằng giữ nguyên Điều 30 như hiện nay là phù hợp, có cả đại diện VCCI, có cả đại diện của Vinasme và các tổ chức hiệp hội khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp liên quan đến tranh luận về Điều 30 của dự án luật, chủ tọa phiên họp, đề nghị xem xét lại Điều 30 để không ảnh hưởng đến chức năng tổ chức của VCCI, Vinasme và các hiệp hội khác./.