Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Ngân hàng
Sáng 28/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII (2020-2025).
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’ré.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng trong giai đoạn vừa qua cũng có nhiều đổi mới, thiết thực, đúng quy định phù hợp với điều kiện thực tế.
Các phong trào thi đua có nhiều chuyển biến tích cực với nội dung, hình thức thi đua phong phú, mục tiêu thi đua thiết thực, cụ thể, bám sát các nhiệm vụ chính trị; thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những mô hình mới, những cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng và học tập; các Cụm, Khối thi đua đã có cách thức tổ chức linh hoạt, phù hợp với chương trình, kế hoạch theo từng lĩnh vực công tác gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Điều đó đã tạo động lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra.
Cụ thể, đã góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường dự trữ ngoại hối nhà nước, qua đó góp phần nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia; hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu nhằm tăng cường tiềm lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống; hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ, ấn tượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại.... Những thành tựu trên đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, bước sang giai đoạn 2021-2025, trong xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh đó đòi hỏi trọng trách của ngành Ngân hàng cũng nặng nề hơn và mỗi một cán bộ Ngân hàng phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng hiệu quả. Do đó, công tác thi đua khen thưởng phải thực sự là động lực thúc đẩy, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra.
Ghi nhận thành tích chung của ngành Ngân hàng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong những năm gần đây, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và có những yếu tố không thuận lợi; đặc biệt trong năm 2020, dịch bệnh COVID-19 lan rộng phức tạp trên toàn cầu, trong nước biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão, lũ, sạt lở sông biển... đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự hỗ trợ, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những đóng góp nêu trên của ngành Ngân hàng đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: tăng trưởng GDP bình quân từ năm 2016-2019 ở mức cao trong khu vực và thế giới, đạt 6,78% trong khi lạm phát bình quân được kiểm soát dưới mức 4%/năm; các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đạt kết quả tốt; đời sống nhân dân được cải thiện... Riêng năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống của người dân, kinh tế thế giới, nhiều nước dự báo có mức tăng trưởng âm, nhưng tăng trưởng GDP của nước ta cả năm vẫn ước đạt trên 2%, thể hiện thành công lớn của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Qua theo dõi Báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng giai đoạn 2015-2020 và các ý kiến tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội vui mừng thấy sự đổi mới, sáng tạo trong công tác thi đua, khen thưởng của ngành Ngân hàng trong những năm qua, đặc biệt là việc triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua của Ngành và của Chính phủ phát động.
Đặc biệt, trong triển khai phong trào“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ngành Ngân hàng đã có nhiều thành tích, góp phần tạo nên hệ thống chính sách đồng bộ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn ngành đã nỗ lực, đóng góp, hỗ trợ cho cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đối với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, ngành Ngân hàng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp, như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp. Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025” tuy mới được triển khai hơn một năm nhưng đã tạo sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Ngân hàng.
“Những kết quả đạt được nêu trên đã thể hiện tinh thần quyết tâm của các cấp ủy Đảng trong ngành Ngân hàng; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của Hội đồng thi đua, khen thưởng; sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực không ngừng trong thi đua lập thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong toàn ngành Ngân hàng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch, ngoài các phương hướng, nhiệm vụ đã nêu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; thực hiện tốt Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc, tăng cường triển khai, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về công tác thi đua, khen thưởng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Ngành Ngân hàng thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua để tránh sự dập khuôn, cứng nhắc; cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các phong trào thi đua thường xuyên với phong trào thi đua theo chuyên đề nhằm hỗ trợ thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; nội dung thi đua cần tiếp tục bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, đặc biệt gắn với mục tiêu phát triển “an toàn - hiệu quả - bền vững”, cùng với việc không ngừng sáng tạo để cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại.
Cùng với đó, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua do Chính phủ phát động, trọng tâm là phong trào thi đua“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”, theo đó cần quan tâm đến việc đổi mới, cải tiến cách thức, lề lối làm việc, xây dựng hình ảnh người cán bộ ngân hàng tận tâm, chuyên nghiệp, nhiệt huyết và sáng tạo.
Ngành Ngân hàng thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo việc xét khen thưởng khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời, có tác dụng nêu gương, trong đó phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác khen thưởng; khắc phục hiện trạng khen thưởng “từ trên xuống” và chú trọng khen thưởng đến tập thể nhỏ và những người lao động trực tiếp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngành Ngân hàng cần chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong toàn hệ thống, đảm bảo tổ chức bộ máy phải gọn nhẹ, hiệu quả, song vẫn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng khẳng định lĩnh hội, quán triệt và triển khai đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bằng việc làm cụ thể để toàn ngành bước vào giai đoạn thi đua mới; đồng thời phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành giai đoạn 2016 – 2020 với chủ đề “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng phát huy truyền thống 70 năm, đoàn kết, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành Ngân hàng giai đoạn 2020 - 2025”.