Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Tư pháp cần phân tích sâu sắc hơn nữa để tìm ra các giải pháp đưa công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Ngành, để phong trào thi đua yêu nước thực sự là nguồn động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.
Sáng nay (1/11), tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong, TP Hà Nội, diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V, kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ ba. Đại hội có sự tham dự của gần 500 đại biểu, trong đó có 195 đại biểu là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Hội nghị.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về một nền pháp quyền nhân nghĩa, 75 năm qua, ngành Tư pháp đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kịp thời đề xuất, tham mưu các chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, xây dựng nền tảng pháp luật dân chủ nhân dân; dùng công cụ pháp luật để bảo vệ chính quyền, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao, thời gian qua, ngành Tư pháp đã tích cực tham mưu giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong việc triển khai thực hiện và tổng kết Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; kịp thời nhận diện, đề xuất giải pháp ứng phó với những vấn đề mới phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành 65 luật, trong đó có những đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân, điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế, trong đó chú trọng thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tham mưu giúp Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, gỡ bỏ các quy định về thủ tục hành chính gây khó khăn, cản trở, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chất lượng công tác thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao; công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực; góp phần thiết thực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân. Việc xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp tiếp tục được thực hiện với những bước đi thận trọng, lộ trình phù hợp, giảm tải cho các cơ quan nhà nước, phục vụ kịp thời và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đạt được những kết quả này có phần đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước do ngành Tư pháp phát động, tổ chức thực hiện hiệu quả với nhiều đổi mới, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao có sức lan tỏa sâu rộng. Tiêu biểu như phong trào thi đua: “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Phong trào thi đua “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao giai đoạn 2016-2020…v.v. Các phong trào thi đua đã khơi dậy lòng tự hào, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị chuyên môn, đạt nhiều thành tích, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đặt ra trong giai đoạn sắp tới là việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một hệ thống pháp luật đồng bộ, dân chủ và tiến bộ. Bối cảnh này đặt ngành Tư pháp trước nhiều thử thách, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Tư pháp cần phân tích sâu sắc hơn nữa để tìm ra các giải pháp đưa công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Ngành tiếp tục đạt kết quả cao hơn, để phong trào thi đua yêu nước thực sự là nguồn động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; tham mưu cho Ban cán sự đảng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 2 nội dung rất quan trọng về cải cách tư pháp và Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, triển khai hiệu quả, thiết thực các Kết luận số 83, 84 của Bộ Chính trị.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng và tính dự báo của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề Tư pháp; tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới; kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Ngành Tư pháp tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính thượng tôn, nghiêm minh của pháp luật, để pháp luật thực sự trở thành chuẩn mực ứng xử trong các cơ quan nhà nước, xã hội và người dân.
Ngành Tư pháp cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành mà trước hết là ngành Tư pháp để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, đồng thời biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ quản lý, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, ngành Tư pháp tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thi đua, gắn công tác khen thưởng với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo công minh đúng người, đúng việc; quan tâm phát hiện và nhân rộng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo sự phát triển bền vững, sức lan tỏa, động lực trong toàn ngành Tư pháp. Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên nghiệp, liêm chính, trong sạch, vững mạnh.
Tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3 cho ngành Tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Lao động các hạng cho một số tập thể, cá nhân./.