Chủ tịch Quốc hội dự kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Nhà máy Z111

Sáng 19/3, tại tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tham dự Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Nhà máy Z111 trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (19/3/1957-19/3/2022).

Chùm ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Nhà máy Z111

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan dây chuyền sản xuất nhà máy Z111. (Ảnh: Doãn Tấn)

Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, một số Ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng, lãnh đạo một số tỉnh, thành…

Đọc diễn văn kỷ niệm, Đại tá Phan Thị Hoài Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cơ khí chính xác 11 ôn lại quá trình hình thành và phát triển của đơn vị.

Cách đây vừa tròn 65 năm, ngày 19 tháng 3 năm 1957, Cục Quân giới tổ chức lễ khởi công xây dựng Xưởng Quân giới 1-Nhà máy Z1 tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Với nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng cũng rất vinh dự, đó là góp phần bảo đảm vũ khí, trang bị cho toàn quân, toàn dân ta kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Lịch sử của nhà máy trong 65 năm qua là lịch sử của công trường 12, của những cái tên Z1, V111, Z111, với những chiến công, thành tích cơ bản, vững chắc và toàn diện; là lịch sử hào hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; vẻ vang trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Nhà máy Z111, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng do đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, phát triển sản xuất các thế hệ súng bộ binh mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và hiện đại hóa quân đội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay sau khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng,” “đánh giặc, trước hết phải có vũ khí." Người đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới với hàng trăm binh công xưởng, đã làm nên kỳ tích quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Có thể nói, lịch sử ra đời và phát triển của Nhà máy Z111 gắn liền với quá trình phát triển của ngành quân giới Việt Nam. Nhà máy luôn giữ vị trí là một trong những cơ sở công nghiệp quốc phòng, có vị trí rất quan trọng với nhiệm vụ chính là sản xuất và sửa chữa các loại vũ khí bộ binh.

Nhà máy đã hai lần vinh dự được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã trưởng thành, được điều động đi xây dựng các cơ sở công nghiệp quốc phòng và trở thành những hạt nhân nòng cốt, các tướng lĩnh trong ngành quân giới và trong ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Tập thể lãnh đạo nhà máy các thời kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nội lực, nghiên cứu sửa chữa, thiết kế, chế tạo thành công nhiều vũ khí, trang bị cho Quân đội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ theo các chương trình, dự án phát triển Công nghiệp quốc phòng do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Bộ Quốc phòng giao; đặc biệt là đã chủ động, tích cực triển khai Dự án “Đầu tư dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới” và hiện nay đã làm chủ dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, phát huy hiệu quả phát triển sản xuất các loại súng bộ binh thế hệ mới.

Ngoài nhiệm vụ trên, trong những năm qua nhà máy đã thường xuyên chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lãnh đạo Nhà máy đã quan hệ chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương, thực hiện tốt công tác chính sách xã hội và an sinh xã hội.

Đảng bộ nhà máy nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức quần chúng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị và được Đảng, Nhà nước, Quân đội nhiều lần khen thưởng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Nhiệt liệt chúc mừng những thành tích xuất sắc của đơn vị đạt được thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là sự ghi nhận thành tích đóng góp quan trọng của nhà máy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ và động viên cán bộ, công nhân viên nhà máy tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao.

Cơ bản tán thành với những định hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Nhà máy Z111 đã nêu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng cần tập trung nghiên cứu, quán triệt, bám sát đường lối, chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; tiếp tục tham mưu chiến lược để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08 ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Bộ Quốc phòng sớm báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý và huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng theo phương châm ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định, then chốt, nâng cao ý chí tự cường, tự lực, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp ngành quân giới - công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Nhấn mạnh xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là chương trình mục tiêu quan trọng của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện giúp cho quân đội triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia mà Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng công nghiệp quốc phòng hiện đại, nhà máy cần phải tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật quân sự quốc phòng; chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị quân sự; phát huy trí tuệ tập thể, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị sát với yêu cầu tác chiến mới của các lực lượng vũ trang.

Nêu bật tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự nói chung và khoa học công nghệ trong phát triển công nghiệp quốc phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhà máy cần nghiên cứu xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm tạo bước đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật quân sự, thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng; tập trung đào tạo, giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đồng thời phải bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc thù lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn tổ chức và biên chế.

Nhấn mạnh yêu cầu quán triệt sâu sắc quan điểm, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhà máy cần phát huy tối đa hiệu năng của dây chuyền, thiết bị hiện có để phục vụ công nghiệp dân sinh, tăng cường xuất khẩu.

Cùng với đó, nhà máy thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; phát huy và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng tinh thần đoàn kết thống nhất cao; trước tiên tạo sự đồng thuận trong tập thể lãnh đạo chỉ huy và của toàn thể cán bộ, công nhân viên; tiếp tục triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và triển khai Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ đổi mới; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhà máy chú trọng công tác đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối đơn vị, nhất là trong nghiên cứu, chế thử vũ khí mới; thường xuyên quan tâm cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, xây dựng môi trường văn minh công nghiệp; đồng thời thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương nơi đóng quân, tăng cường các hoạt động xã hội góp phần xây dựng địa bàn an toàn, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng Nhà máy Z111 sẽ tiếp tục phát triển, trở thành mô hình mới trong xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng hiện đại; cùng với các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và toàn quân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Tại buổi lễ, Thượng tá Hoàng Quốc Vinh, Giám đốc Nhà máy Z111 được nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, sản xuất các loại súng bộ binh mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và hiện đại hóa quân đội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-tich-quoc-hoi-du-ky-niem-65-nam-ngay-truyen-thong-nha-may-z111-102074.html