Chủ tịch Quốc hội làm việc với đoàn giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo

Ngày 23/2, tại nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021'. Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng đoàn giám sát; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Phó Trưởng đoàn thường trực.

Theo báo cáo của Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, tính đến ngày 10.2.2022, Đoàn giám sát đã nhận được 21/21 báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, 63/63 báo cáo của UBND tỉnh, thành phố; Báo cáo của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 63/63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 48/63 Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; 46/63 báo cáo của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Qua xem xét bước đầu các báo cáo cho thấy: các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã được các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu. Việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện đã đầy đủ, kịp thời. Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Việc thụ lý, giải quyết các vụ việc về cơ bản đã thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết thêm, một số tỉnh đã gửi báo cáo nhưng chưa đúng, chưa đủ nội dung theo đề cương, biểu mẫu yêu cầu của Đoàn giám sát.

Sau khi nghe các thành viên Đoàn giám sát báo cáo kế hoạch triển khai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Đoàn giám sát tổ chức họp rà soát, đánh giá cụ thể từng nhiệm vụ, từng phần việc theo kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này có nhiều đổi mới so với trước đây. Do đó, trong quá trình triển khai, Đoàn giám sát cần bám sát các mốc thời gian, tiến độ, mục đích và yêu cầu đặt ra tại Kế hoạch chi tiết và Đề cương giám sát, rà soát, đánh giá lại từng phần việc, chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả giám sát.

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát xem xét kỹ lưỡng, tổng hợp, chắt lọc, rút ra được vấn đề và trách nhiệm cụ thể. Nhấn mạnh yêu cầu đặt ra đối với hoạt động giám sát phải vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm để tác động lan tỏa trong cả hệ thống, tạo chuyển biến thực sự trong thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát có văn bản đôn đốc các cơ quan, địa phương sớm gửi báo cáo đến Đoàn giám sát, yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị báo cáo còn sơ sài, không đáp ứng yêu cầu phải gửi lại để phục vụ hiệu quả quá trình giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý Đoàn giám sát cần xem xét kỹ lưỡng số lượng về tình hình khiếu nại, tố cáo cũng như kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo để đánh giá đúng thực trạng. Rà soát, thống kê các vụ việc tồn đọng, kéo dài, xác định các vụ việc trùng lặp, phân loại theo từng lĩnh vực cụ thể nhằm xử lý triệt để, hạn chế phát sinh các vụ việc mới…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm, cùng với việc chỉ rõ, phê phán những nơi chưa làm tròn trách nhiệm, trì trệ, vô cảm cần tìm ra các mô hình tốt, cách làm hay để nhân rộng trong thời gian tới.

Thực hiện : Đặng Linh Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chu-tich-quoc-hoi-lam-viec-voi-doan-giam-sat-giai-quyet-khieu-nai-to-cao