Chủ tịch Quốc hội làm việc với Tổ công tác thực hiện Nghị quyết liên quan tới phòng, chống COVID-19

Chiều 30/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 liên quan tới công tác phòng, chống COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Căn cứ theo Luật Tổ chức Quốc hội và Nghị quyết số 30/2021/QH15, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30 được thành lập vào ngày 27/8/2021, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng và 6 thành viên khác là các Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Ủy ban Xã hội là cơ quan Thường trực của Tổ công tác này.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, trong đó có các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhận được sự đánh giá cao của các cấp, ngành, cử tri cả nước và dư luận trong Liên minh nghị viện các nước ASEAN.

Ngay sau khi Nghị quyết số 30 được ban hành, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực vào cuộc để xử lý các yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch theo yêu cầu tại Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15, cho phép Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách, được ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68, kịp thời triển khai các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục phát huy tinh thần làm việc của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chủ động, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, đồng lòng” với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổ công tác làm tốt vai trò tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ cụ thể hóa các nội dung Kết luận cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước về phòng, chống COVID-19, Nghị quyết số 30 của Quốc hội, trọng tâm là các giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho an sinh xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu: “Làm việc không kể ngày đêm, là Tổ công tác 24/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung trí tuệ rộng rãi để tham mưu, góp ý các cơ chế, chính sách phù hợp để sớm kiểm soát dịch bệnh, kể cả chiến lược sản xuất vaccine trong nước, vận động, tìm kiếm, tiếp cận sớm nhất các nguồn vaccine, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế từ bên ngoài, đồng thời huy động các nguồn tài lực, vật lực của Nhà nước và xã hội được tính toán cẩn trọng cả về trước mắt và lâu dài, có tính bền vững, để đáp ứng cao nhất yêu cầu phòng, chống dịch, bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân các địa bàn trọng điểm khắc phục khó khăn và phục hồi phát triển.”.

Tổ công tác giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với đó là nghiên cứu, tham gia ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về những giải pháp cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19, bảo đảm ra quyết định quyết đoán, quyết liệt, kịp thời, thận trọng, chắc chắn, đúng mục đích, đúng đối tượng, thiết thực, đúng quy định của pháp luật, tạo đồng thuận và hiệu quả toàn diện khi triển khai.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Tổ Công tác phải quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ công tác nêu cao tính chủ động kiến nghị, đề xuất với Chính phủ “từ sớm, từ xa”, không chờ đợi. Nếu có vấn đề phức tạp, còn ý kiến khác nhau thì kịp thời xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì càng phải thấy trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sử dụng các quyền này một cách hiệu quả nhất”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ngay sau buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổ trưởng Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì họp Tổ để phân công nhiệm vụ tới từng thành viên.

Được biết, trong Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hai thành viên đều thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong đó Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng thời là Phó Trưởng Ban chỉ đạo và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường là Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương: Chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, nhất là lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách...

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-lam-viec-voi-to-cong-tac-thuc-hien-nghi-quyet-lien-quan-toi-phong-chong-covid19-20210830185029117.htm