Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ủy ban Tư pháp, Ban Công tác đại biểu
Ngày 19/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu.
Cùng tham dự có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường…
Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội với cơ quan của Quốc hội sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, đầu nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Tư pháp có 40 thành viên công tác tại nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, chất lượng thành viên và bộ máy giúp việc của Ủy ban tiếp tục được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ủy ban Tư pháp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính đúng đắn và tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, các cơ quan hữu quan, tạo sự chuyển biến tích cực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng... Tuy nhiên, hoạt động của Ủy ban cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do số lượng Thường trực Ủy ban còn thiếu so với cơ cấu.
Từ thực tiễn thẩm tra giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, về tổ chức hoạt động của cơ quan tư pháp và phòng chống tham nhũng; giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết… Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện quy trình lập pháp; đặc biệt, cần thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương lập pháp, chỉ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội những dự án thực sự cần thiết, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn, bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn quy định. Đối với công tác giám sát, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan tư pháp, bảo đảm tính công khai của các báo cáo công tác của cơ quan tư pháp của Quốc hội
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động của Ủy ban Tư pháp; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan đến vấn đề tổ chức, cơ cấu Ủy ban; về đổi mới tư duy lập pháp; cơ chế huy động chuyên gia tham gia các hoạt động của Ủy ban, nhất là việc đóng góp ý kiến để Ủy ban thẩm tra các dự án luật, đề án đòi hỏi tính chuyên sâu rất cao thuộc lĩnh vực phụ trách; tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội có thể thực hiện được quyền trình sáng kiến lập pháp...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, đa dạng của các thành viên Thường trực Ủy ban Tư pháp. Từ thực tiễn hai khóa tham gia Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Ủy ban Tư pháp có vai trò nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội, phụ trách các lĩnh vực tư pháp, nhiều mảng việc khó, từ việc thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật thuộc lĩnh vực tư pháp, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp đến phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo, thi hành án...
Đánh giá Ủy ban Tư pháp, Quốc hội Khóa XIV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục phát huy tinh thần này trong thời gian tới.
Nêu một số vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp rà soát lại quy chế làm việc, chương trình công tác của Ủy ban trong năm 2021 cho phù hợp với các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cũng như các quy định mới của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) năm 2020; cần nghiên cứu để có mô hình thống nhất giữa các cơ quan của Quốc hội về việc thành lập các tiểu ban hay nhóm công tác về thành phần, tính pháp lý, địa vị pháp lý...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó được đo lường bằng chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ủy ban; đồng thời đề nghị Ủy ban Tư pháp nghiên cứu, xây dựng một đề án về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban, phù hợp với tính chất đặc thù trong lĩnh vực hoạt động. Trên tinh thần mỗi cơ quan của Quốc hội sẽ có một đề án riêng nằm trong chương trình hành động chung của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp cần sẵn sàng tâm thế cho việc tham gia cùng với Đảng đoàn Quốc hội xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tiếp tục nghiên cứu, làm đầu mối giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội tăng cường phối hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội với các cơ quan tư pháp...
Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/1/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 7 nhiệm vụ chính. Cụ thể gồm: Tham mưu, phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; công tác đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; công tác về chế độ, chính sách đối với cán bộ và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác nhân sự; công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao; hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND; công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử. Hiện nay, so với Nghị quyết số 575, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu đã thu hẹp hơn.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả công tác của Ban Công tác đại biểu trong thời gian qua. Nhấn mạnh đến khối lượng công việc lớn về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn về những nhiệm vụ trong công tác này.
Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ Ban Công tác đại biểu, nhất là sự đóng góp vào thành công của công tác kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau cuộc họp này, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Công tác đại biểu dự thảo kết luận cuộc làm việc, báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội xem xét kỹ trước khi báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, công việc trước mắt là công tác chuẩn bị bầu cử, Ban Công tác đại biểu tổng hợp kết quả hội nghị hiệp thương lần 3 của các tỉnh, thành và có báo cáo sớm với Hội đồng bầu cử quốc gia.
Sau cuộc bầu cử, Ban Công tác đại biểu tiếp tục thực hiện các công việc như công nhận tư cách đại biểu, thẻ, chuẩn bị cho tổng kết công tác bầu cử, công tác chuẩn bị nhân sự tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; kế hoạch chương trình tập huấn, bồi dưỡng những người trúng cử; phối hợp cùng Đảng đoàn Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sắp xếp những trường hợp không tái cử nhưng còn tuổi công tác; tham mưu đề xuất bố trí đại biểu Quốc hội vào các chức danh hoạt động chuyên trách...
Nhất trí với đề xuất của Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ban Công tác đại biểu tiếp tục rà soát để có thể có dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/1/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế làm việc của Ban, để đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có thể ban hành. Ban Công tác đại biểu cần rà soát kỹ, lấy ý kiến theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Công tác đại biểu cần có đề án về nâng cao năng lực công tác, trong đó chia ra nhiều đề án thành phần. Do đó, Ban Công tác đại biểu cần xây dựng đề án ngay từ bây giờ. Sau này Đảng đoàn Quốc hội sẽ tập hợp lại.
Về những kiến nghị cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Công tác đại biểu tập hợp lại báo cáo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phụ trách để giải quyết từng việc theo đúng trình tự.
(Theo TTXVN)