Chủ tịch Quốc hội lên đường tham dự IPU-150, thăm chính thức Uzbekistan và Armenia
Đúng 15h00 chiều 1/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã rời Hà Nội lên đường tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2-8/4/2025.
Đoàn chính thức có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình; Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế-Tài chính Lê Quang Mạnh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ.
Cùng tham gia đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, kiêm nhiệm Armenia và Uzbekistan Đặng Minh Khôi; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tặng hoa Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tại sân bay Nội bài.
Kể từ khi gia nhập IPU vào năm 1979, trong hơn 45 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện sự tham gia, đóng góp tích cực, có trách nhiệm, cùng nghị viện các nước chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, luật pháp, không chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế, mà còn đảm bảo phát triển bền vững, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, luôn lấy người dân làm trung tâm của quá trình xây dựng chính sách.
Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào hoạt động của IPU; sẵn sàng cùng với IPU và Nghị viện các nước thành viên thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU nhằm góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới.
Trong quá trình tham gia IPU, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của IPU. Nổi bật nhất là việc đăng cai thành công Đại hội đồng IPU-132 năm 2015 tại Hà Nội với chủ đề “Các Mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”, thu hút sự tham dự của hơn 160 đoàn nghị viện các nước.
Tại Đại hội đồng này, Việt Nam cùng các nước đã thông qua Tuyên bố Hà Nội nhằm thúc đẩy hành động của nghị viện trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Đây là di sản lớn; thể hiện sự đóng góp nổi bật của Việt Nam trong giải quyết các thách thức chung cùng cộng đồng quốc tế.
Tháng 9/2023, cũng tại Hà Nội, Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, với sự tham dự của gần 700 đại biểu trong và ngoài nước. Sau 8 năm kể từ Tuyên bố Hà Nội, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn lịch sử với một bản tuyên bố đầu tiên được đưa ra tại một kỳ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu.
Quốc hội Việt Nam cũng đã tham gia vào các cơ chế lãnh đạo, điều hành của IPU, như đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm địa chính trị Châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU vào các năm 2006, 2016); Chủ tịch Nhóm ASEAN+3 tháng 11/2021.
Đặc biệt, đại diện Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng IPU tín nhiệm hai lần bầu vào Ban Chấp hành IPU (các nhiệm kỳ 2007-2011 và 2015-2019), được bầu làm Phó Chủ tịch IPU (các năm 2009 và 2019). Điều này thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm rất cao của các nghị viện quốc tế dành cho năng lực lãnh đạo, dẫn dắt của Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga
Bên cạnh hoạt động đa phương, trong chuyến công tác này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia.
Các chuyến thăm song phương này khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam, luôn coi trọng và mong muốn củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Uzbekistan và Armenia; quyết tâm cùng hai nước thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt, trong bối cảnh khu vực Trung Á và khu vực Kavkaz có vai trò ngày càng quan trọng trong hợp tác quốc tế; củng cố, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy đối thoại chính trị ở cấp cao nhất trên kênh Quốc hội, trao đối các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội hai nước; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương cùng có lợi với mỗi nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, hợp tác địa phương.