Chủ tịch Quốc hội: Nghị quyết 66 đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới
Việc ban hành Nghị quyết 66 đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình của đất nước.
Sáng nay (18/5), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngày 30/4, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được thành lập ngay sau khi Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành do Tổng Bí thư làm Trưởng ban; Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội làm Phó trưởng Ban; các thành viên khác là Trưởng một số Ban Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng một Bộ, ngành, cơ quan, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và hành động đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật của nước ta.
Ngày 17/5, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời thể chế hóa ngay các quyết sách của Nghị quyết 66, tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập về cơ chế tài chính, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Điều này thể hiện qua các yếu tố như: Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những đòi hỏi cao hơn về thể chế pháp luật để thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều này đòi hỏi một hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ và khả thi.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ, đặt ra những vấn đề mới, phức tạp về pháp lý cần được nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời.
Hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi hệ thống pháp luật trong nước phải tương thích với các cam kết quốc tế và thông lệ quốc tế tiên tiến.
Công tác xây dựng và thi hành pháp luật những năm qua còn không ít hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển.

Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết 68. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
"Nghị quyết là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bám sát yêu cầu và mốc thời gian thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng ta đã đề ra.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.
Đồng thời, để bảo đảm thực hiện có lộ trình, bước đi, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, Nghị quyết xác định rõ mục tiêu cụ thể cho các giai đoạn trước mắt và cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.
Quán triệt sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Nghị quyết 66-NQ/TW chỉ rõ, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải quán triệt sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo.
Thứ nhất, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật.
Thứ hai, phải xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là "đột phá của đột phá" trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước; đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả hệ thống chính trị.
Thứ ba, xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, "đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam", tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "hai con số" trong thời gian tới, nâng cao đời sống của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Thứ tư, cần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành pháp luật.
Thứ năm, xác định rõ đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực và có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ nhân lực trực tiếp, thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ này.