Chủ tịch Quốc hội: Người dân đã khổ sở với sổ hộ khẩu rất nhiều!
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, người dân nước ta trước nay đã khổ sở với sổ hộ khẩu rất nhiều. Người nghèo tha hương lên thành phố nhưng con em không đi học được vì không có hộ khẩu. Vì vậy, việc quản lý theo mã số định danh sẽ giúp biết người dân đi đến đâu nhanh chóng, dễ theo dõi cho các cơ quan chức năng.
Chiều 22/04, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Luật Cư trú năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 (Luật Cư trú) được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, góp phần từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết để bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú.
Ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Qua thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cũng cơ bản tán thành với sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, hiện nay dòng dịch chuyển lao động, cư trú của chúng ta trong thời kỳ mới đã khác trước rất nhiều, tình trạng di cư lao động diễn ra phổ biến, lao động nông thôn dịch chuyển về đô thị… Do vậy, cần phải có phương thức quản lý mới kịp thời về cư trú.
Xét tình hình thực tế, năng lực quản lý của các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật này; đồng thời bày tỏ đồng tình với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Đồng thời nhấn mạnh đến các nội dung của Luật này sẽ liên quan đến hàng chục luật khác, do vậy cần tiếp tục rà soát thật kỹ các nội dung trong dự án Luật để đảm bảo tính đồng bộ.
Cho rằng, dự án Luật Cư trú (sửa đổi) liên quan đến nhiều bộ luật, luật khác, cả về dân sự, kinh tế, hình sự, hành chính…, nhất là liên quan đến các thủ tục về sổ hộ khẩu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh cần cân nhắc kỹ lưỡng để không phát sinh vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng tính “sống còn” của dự án Luật này liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân, nhưng hiện có nhiều số định danh cá nhân được cấp, cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thành. Vì thế, cần có cơ sở để khẳng định những việc này sẽ được hoàn thành vào thời điểm luật có hiệu lực để đảm bảo tính khả thi.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự ủng hộ trình dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân của nước ta trước nay đã khổ sở với sổ hộ khẩu rất nhiều. Người nghèo tha hương lên thành phố nhưng con em không đi học được vì không có hộ khẩu. Vì vậy, việc quản lý theo mã số định danh sẽ giúp biết người dân đi đến đâu nhanh chóng, dễ theo dõi cho các cơ quan chức năng. Việc bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu để thay thế bằng quản lý theo mã số định danh cá nhân, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú là phương thức tiến bộ, mà từ lâu lắm rồi nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc thay đổi như vậy sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời nâng cao hiệu lực, năng lực quản lý nhà nước về dân cư.
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của Luật sửa đổi này; đồng thời nhất trí bổ sung dự án Luật này vào chương trình năm 2020; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự có gắng của Bộ Công an trong thời gian ngắn đã đưa ra một số chính sách lớn nhất là mục tiêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú. Theo đó, nhất trí quản lý cư trú theo sổ hộ khẩu theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú. Tuy nhiên, để bảo đảm sự khả thi, không gây xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu báo cáo cụ thể hơn về tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và khả năng hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam đến thời điểm Luật có hiệu lực.