Chủ tịch Quốc hội 'nhắc nhở' Bộ trưởng Công Thương về dự án điện Bạc Liêu
'Đề nghị Bộ trưởng cho biết từ giờ đến cuối năm có giải quyết được dự án điện Bạc Liêu hay không'? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Cuối phiên chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận được câu hỏi chất vấn của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): “Tôi rất chia sẻ ý kiến của đại biểu Bạc Liêu và tôi tôi muốn hỏi Bộ trưởng là có hay không có việc phớt lờ chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ và của đồng chí Chủ tịch Quốc hội trong dự án điện Bạc Liêu? Có hay không khuất tất, lợi ích nhóm liên quan đến dự án điện Cà Ná? Và đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm trong dự án Điện Long Phú 1”.
Cùng với ĐB Lưu Bình Nhưỡng, nhiều ĐB khác như: ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), ĐB Nguyễn Thanh Vân (Cà Mau).... cũng đề nghị Bộ trưởng Công Thương trả lời rõ về dự án này. Các đại biểu đều tỏ ra sốt ruột khi dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nhưng 18 tháng đã qua vẫn chưa thể triển khai. Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục tròn 12 tháng theo yêu cầu của Bộ Công Thương, và Thủ tướng 2 lần chỉ đạo về dự án này. "Vì sao chậm trễ như vậy và bao giờ dự án này sẽ triển khai được", các đại biểu chất vấn.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cơ quan này đã khẩn trương và 2 lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực. Mới đây nhất, tháng 9/2019, Bộ đã lấy ý kiến bổ sung và hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Chính phủ vào cuối tháng 10.
Cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng Công Thương "còn chung chung", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời ông: "Riêng về dự án điện Bạc Liêu - đề nghị Bộ trưởng cho biết bao giờ giải quyết, hiện rất chậm rồi, tới 18 tháng. Các thủ tục đầu tư, ý kiến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đủ. Giờ nói chung chung sẽ xem xét thì rất khó. Đây là dự án của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng cho biết từ giờ tới cuối năm có giải quyết được không", bà hỏi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, bản thân Bộ cũng rất mong muốn dự án được nhanh chóng thực hiện, vì chúng ta cũng đang thiếu điện và rất cần điện.
"Tôi chắc cũng không thể nói được thời điểm nào triển khai vì còn chờ Thủ tướng và thường trực Chính phủ cho ý kiến... Hy vọng sẽ vào đầu năm 2020, theo hiểu biết của tôi", Bộ trưởng nói.
Về câu hỏi của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đối với dự án điện Bạc Liêu cũng như các dự án khác, một trong những nguyên tắc đầu tiên để đảm bảo cho việc xem xét tính khả thi và hiệu quả, để bổ sung vào quy hoạch năng lượng cũng như quy hoạch tích hợp cũng như chủ trương triển khai chính là yếu tố về giá thành điện sản xuất và tác động của nó trong tất cả khía cạnh.
Bộ trưởng thông tin, Bộ Công Thương cũng đã nhận được báo cáo của tỉnh Bạc Liêu, của chủ đầu tư, đối tác... cho thấy giá điện sơ bộ khoảng 7 cent.
"Và chúng tôi cũng ghi nhận điều này trong báo cáo tổng thể của dự án để báo cáo lên Chính phủ. Và chắc chắn ngay cả các dự án khác của các trung tâm điện lực mới như Sơn Mỹ, Long Sơn, Cà Ná... thì đều có nguyên tắc để đánh giá, trong đó có những vấn đề rất công khai, minh bạch về giá điện và tác động của nó đến cơ cấu giá điện chung và hiệu quả đóng góp vào kinh tế xã hội, đời sống nhân dân...
"Báo cáo với Quốc hội là quy trình này sẽ được thực hiện rất nghiêm túc và công khai và chắc chắn các dự án này đều phải cạnh tranh để được vào trong quy hoạch chứ không phải có sự đánh giá hời hợt.... Báo cáo Quốc hội rằng chúng tôi sẽ làm nghiêm và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, quyền quyết định là Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng sẽ thông qua các dự án đó", Bộ trưởng nói.
"Tư lệnh" ngành công thương cũng cho biết thêm, một dự án khi được triển khai thì không chỉ có giấy phép đầu tư mà còn có các hợp đồng mua bán điện... để đảm bảo cơ cấu điện trong mặt bằng giá điện cũng như phương án để đảm bảo cân đối điện. Điều đó cho thấy có rất nhiều công cụ, ràng buộc pháp lý để đảm bảo hiệu quả của dự án.
Trước đó, trong phần trả lời chất vấn liên quan tới tiến độ một số dự án điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao trong năm 2019, 2020. Thậm chí tới năm 2022, nguy cơ không có dự phòng tại những vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn. Theo người đứng đầu ngành công thương, một trong những nguyên nhân lớn nhất là những điều kiện bất lợi của thời tiết và tính cực đoan rất cao, hầu như các thủy điện đang không đủ điều kiện để tích nước để đảm bảo điều kiện để phát điện công suất công suất theo được huy động.
Ngoài ra, Việt Nam đang đối mặt với sự suy giảm của thị trường năng lượng sơ cấp do đang phải nhập khẩu một khối lượng than rất lớn. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam phải nhập khẩu tới 20.000.000 tấn than, năm 2025 chúng ta dự kiến nhập khẩu tới 35.000.000 tấn than.