Chủ tịch Quốc hội: Nhiều nội dung phải được quyết định trước ngày 30/6

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý về việc sắp xếp nội dung chương trình kỳ họp, bởi có rất nhiều nội dung phải được quyết định trước ngày 30/6.

Chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 37 ngày và có bố trí làm việc một số ngày cuối tuần.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng.

Kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc sáng 5/5, dự kiến bế mạc chiều 28/6 và được tổ chức thành 2 đợt (đợt 1 từ 5 - 29/5 và đợt 2 từ 11- 28/6).

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Tổng Thư ký Lê Quang Tùng cho biết, kỳ họp sẽ bổ sung 10 nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Ưu tiên thảo luận tại đợt 1 các dự án được thông qua

Bên cạnh đó, có 4 nội dung rút khỏi chương trình kỳ họp, trong đó có dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Ông Tùng nhấn mạnh, tại kỳ họp này, sẽ ưu tiên bố trí thảo luận ngay tại đợt một đối với phần lớn các dự án luật trình Quốc hội thông qua để có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội biểu quyết tại đợt hai. Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 thì bố trí thảo luận vào cuối đợt hai của kỳ họp.

Theo đó, thời gian từ khi thảo luận ở tổ đến thảo luận ở hội trường đối với các nội dung này khoảng từ 2 đến 3,5 ngày. Ông Tùng đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý để chuẩn bị báo cáo giải trình ý kiến thảo luận ở tổ để gửi đến đại biểu trước khi tiến hành phiên thảo luận ở hội trường theo quy định.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý về việc sắp xếp nội dung chương trình, bởi có rất nhiều nội dung phải được quyết định trước ngày 30/6.

Thống nhất với việc rút 4 nội dung trên, ông Trần Thanh Mẫn cũng đồng ý việc chưa bổ sung dự thảo Nghị quyết đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-quoc-hoi-nhieu-noi-dung-phai-duoc-quyet-dinh-truoc-ngay-306-post1737990.tpo