Chủ tịch Quốc hội: Phải tổ chức bộ máy, con người, tập huấn cho cán bộ... để lan tỏa được những giá trị văn hóa tốt đẹp

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển con người toàn diện, tạo sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chiều 8/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 (Chương trình) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2030, các đại biểu cho rằng, Chương trình sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội và tạo sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chú ý phát triển văn hóa bền vững

Phát biểu về Chương trình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 4, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa. “Việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình này sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa đề ra trong các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh 5 nguyên tắc yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu để rà soát, hoàn thiện Chương trình; nêu rõ cơ chế đầu tư các thiết chế văn hóa được đề cập đến trong Chương trình, Nhà nước đầu tư 100% hay hỗ trợ một phần, có huy động tư nhân tham gia hay không để có căn cứ triển khai Chương trình cũng như tính toán nguồn lực đầu tư của Chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quy định phù hợp, bảo đảm tính khả thi và nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu về trung tâm văn hóa cho tất cả các cấp bởi thực tế ở một số địa phương sẽ gặp khó khăn, nhất là những vùng biên giới, hải đảo... "Các đồng chí đi những khu di tích lịch sử chẳng hạn, phần giới thiệu cũng đã làm rung động trái tim mọi người rồi. Như ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tôi nghe anh chị em thuyết minh giới thiệu thấy rưng rưng nước mắt, xúc động vô cùng. Chúng ta cần chú ý cả những vấn đề này. Phải tổ chức bộ máy, con người, tập huấn cho cán bộ... để lan tỏa được những giá trị văn hóa tốt đẹp" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Nhìn tổng thể, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, "về mặt lý luận, về quan tâm, nhận thức đối với văn hóa thì đều rất tốt rồi, nhưng bây giờ thể hiện như thế nào để tới đây Chương trình trở thành hiện thực để phát triển văn hóa một cách bền vững". Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý vấn đề phát triển văn hóa bền vững.

Phát triển văn hóa tránh tình trạng dàn trải, chung chung

Phát biểu quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là, phải làm rõ trọng tâm, trọng điểm, rà soát mục tiêu, đối tượng cho phù hợp. Từ thực tiễn giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không nên lặp lại những khuyết điểm mà 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã rút kinh nghiệm, đặc biệt là thủ tục hành chính, tránh trường hợp mỗi bộ, mỗi ngành làm một cách khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và các đại biểu thảo luận tại tổ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và các đại biểu thảo luận tại tổ.

“Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa tránh tình trạng dàn trải, chung chung, trùng lặp và nên tập trung vào 3 vấn đề: bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa và lựa chọn những dự án trọng điểm nhất, phải tạo được bước đột phá về phát triển văn hóa" - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh và cho rằng, cần làm rõ, "trong công nghiệp văn hóa thì công trình trọng điểm là gì; trong xây dựng thể chế thì trọng điểm là gì; bảo tồn phát huy thì trọng điểm là gì. Đáng lưu ý, phải giải quyết bài toán quy hoạch, quy hoạch xong không phải làm ngay mà có tiền tới đâu làm tới đó, sự phát triển của đất nước tới đâu thì làm tới đó”.

Vốn đối ứng ngân sách địa phương cao, khó thực hiện

Cho rằng nhiều nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa còn chung chung, khó đánh giá, có sự trùng lặp giữa chương trình này với dự án, chương trình khác, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) dẫn chứng, cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Do vậy, đại biểu đề nghị, nên tích hợp, tập trung vào 3 nội dung, mục tiêu chính của chương trình về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế phát biểu tại phiên họp.

Liên quan đến nguồn lực đầu tư cho Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Hiện nay, vốn đối ứng của ngân sách địa phương rất cao, 24,6%, rất khó thực hiện, nhất là những tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn thu ngân sách. Đại biểu chỉ rõ, hiện nay trong Báo cáo của Chính phủ có nêu, một số nơi thiết chế văn hóa cấp tỉnh chưa có trụ sở hoạt động đúng chức năng; tình trạng thiếu thiết chế văn hóa hoạt động còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, vùng sâu, vùng xa; các thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh hoặc quá lâu không đúng quy định, quy mô kiến trúc hoặc xuống cấp trầm trọng…

"Như vậy, có rất nhiều yếu tố liên quan đến thiết chế đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư, nếu như quy định cho địa phương đối ứng nguồn vốn lớn như vậy thì sẽ khó thực hiện. Hơn nữa đầu tư cũng “không ra tấm, ra món”, do vậy cần hết sức cân nhắc kỹ nội dung này" - đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị.

Thu Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-phai-to-chuc-bo-may-con-nguoi-tap-huan-cho-can-bo-de-lan-toa-duoc-nhung-gia-tri-van-hoa-tot-dep-i733742/