Chủ tịch Quốc hội thăm Jakarta: Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Indonesia về mọi mặt
Chuyên trang phân tích Eurasia Review ngày 2/8 đã đăng tải bài viết với tiêu đề 'Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Indonesia, dự AIPA lần thứ 44, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược'.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tới Jakarta vào ngày 4/8 để dự Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) lần thứ 44. Hội nghị sẽ được tổ chức tại Jakarta từ ngày 5-11/8 với chủ đề "Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng".
Trong chuyến thăm từ ngày 4-7/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng dự kiến gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo để trao đổi về các giải pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị song phương và đối tác chiến lược giữa hai nước. Vào ngày 5/8, Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ có một bài phát biểu do nhóm chuyên gia cố vấn nổi tiếng của Indonesia, Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia (FPCI) tổ chức.
Thông tin về Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trang Eurasia Review viết ông đã có bằng tiến sĩ tại Đại học Bratislava, Slovakia, là một chính trị gia và giáo sư kinh tế. Ông cũng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016–2020 và Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2011–2013. Ông cũng từng là giảng viên trường Đại học Tài chính Kế toán tại Hà Nội.
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội vào năm 2021, ông Vương Đình Huệ đã nỗ lực đổi mới chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội để đưa đất nước phát triển vươn lên tầm cao mới, hướng đến trở thành một quốc gia giàu, mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực đổi mới phong cách làm việc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, trang Eurasia Review đánh giá.
Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có quyền xây dựng, thông qua và sửa đổi hiến pháp và pháp luật. Quốc hội cũng có trách nhiệm lập pháp và thực hiện các kế hoạch và ngân sách nhà nước.
Quốc hội Việt Nam và Indonesia nỗ lực đóng góp cho quan hệ 2 bên
Cả Quốc hội Việt Nam, Quốc hội Indonesia, trong đó có Hạ viện Indonesia (DPR) đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc phát triển nền kinh tế và đất nước.
Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/12/1955. Năm 2013, hai nước đã nâng quan hệ hữu nghị lên đối tác chiến lược. Năm 2022, hai nước đã hoàn tất đàm phán phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ). Cơ quan lập pháp của cả hai nước cũng sẽ sớm phê chuẩn thỏa thuận này.
Cả hai đều là các quốc gia thành viên quan trọng của ASEAN và đang phấn đấu đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 thông qua chuyển đổi từ các ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên sang các ngành công nghệ cao, cũng như tăng cường hợp tác giáo dục và chia sẻ kiến thức giữa hai nước. Năm 2022, thương mại song phương đạt hơn 14 tỷ USD.
Với dân số gần 100 triệu người và GDP là 430,77 tỷ USD, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba và là nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Trong khi đó, Indonesia, với dân số 277,7 triệu người và GDP 1,36 nghìn tỷ USD, là quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Việt Nam và Indonesia chiếm 60% tổng dân số ASEAN và 45% tổng GDP của ASEAN.
Indonesia vừa là Chủ tịch ASEAN 2023 năm nay và vừa là Chủ tịch AIPA lần thứ 44. Nước này đã đưa ra chủ đề năm của ASEAN năm nay là "ASEAN tầm vóc- Tâm điểm của Tăng trưởng".
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Indonesia về mọi mặt
ASEAN là một bộ phận không thể tách rời trong chính sách đối ngoại của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập khối năm 1995. Cùng với Indonesia, cả hai nước đã có những đóng góp to lớn cho ASEAN và cam kết thúc đẩy sự tham gia của ASEAN vào giải quyết những thách thức toàn cầu. Cả hai đều có nhận thức tương đồng về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các quy tắc quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Jakarta thể hiện rõ sự quan tâm của lãnh đạo Việt Nam về quan hệ với Indonesia. Chuyến thăm thể hiện tinh thần đoàn kết, tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, sẵn sàng hướng tới hợp tác sâu rộng hơn nữa vì lợi ích của người dân cũng như hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Chuyến thăm này cũng sẽ tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp của Việt Nam và Indonesia.
Tương tự, Indonesia cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam không chỉ vì lợi ích song phương mà còn vì lợi ích chung của khu vực. Các sự kiện lớn như AIPA lần thứ 44 và các chương trình nghị sự trong hợp tác nghị viện sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân.
"Mục đích chính của AIPA, về mặt chính trị, là thúc đẩy ổn định khu vực và đảm bảo hòa bình sẽ được duy trì trong tương lai,", Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác liên nghị viện (BKSAP) của DPR Putu Supadma Rudana thông tin với hãng tin Antara gần đây.