Chủ tịch Quốc hội: Trả lời kiến nghị cử tri đã tốt hơn, không lòng vòng, chung chung

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, văn bản trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri đã tốt hơn, không lòng vòng, chung chung. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục phát huy, lấy sự hài lòng của cử tri, người dân làm thước đo.

Nổi lên 7 vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp

Sáng 14/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình trình bày báo cáo (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình trình bày báo cáo (Ảnh: Media Quốc hội).

Trình bày báo cáo về công tác dân nguyện tháng 3 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao những kết quả đạt được trong 3 tháng đầu năm 2025, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển so với cùng kỳ năm trước, tạo động lực và khí thế để tiếp tục thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Cử tri và nhân dân hết sức quan tâm đến những nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 9, nhất là việc Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18.

Cử tri và nhân dân quan tâm và đồng tình ủng hộ công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được chỉ đạo triển khai quyết liệt, khẩn trương, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng về thông tin giả mạo, sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội về chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng cháy nổ xảy ra ở nhiều nơi; hoạt động khám, chữa bệnh trá hình, mạo danh bác sĩ các bệnh viện lớn, không có chứng chỉ hành nghề y; việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ tác động không nhỏ đến sản xuất, việc làm trong nước, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu...

Thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo, đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho biết trong tháng 3, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng so với tháng 2 và tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 3, có nổi lên 7 vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; lĩnh vực tài nguyên, môi trường và lĩnh vực xây dựng, nhà ở.

Các vụ việc này cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đã giải quyết kịp thời kiến nghị cử tri

Còn trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho hay thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, 2.033 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 1.953 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 96,1%.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).

Trong đó,Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội,đã trả lời 38/38 kiến nghị, đặc biệt tiếp tục tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về thể chế, xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu của đất nước để bước vào kỷ nguyên mới...

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 1.867/1.947 kiến nghị. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (trước khi sáp nhập) là hai bộ đã giải quyết, trả lời, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Lấy sự hài lòng của cử tri, người dân làm thước đo

Thảo luận tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận những kết quả quan trọng trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.

Ông cho biết cả nước đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và đang tiến hành giai đoạn 2 về sáp nhập tỉnh, xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện, sửa đổi Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu góp ý (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu góp ý (Ảnh: Media Quốc hội).

Hiện nay, báo chí đã sớm thông tin về việc thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); về việc kết thúc cấp huyện, sáp nhập xã và đề án sáp nhập cùng tên gọi các tỉnh/thành.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá: "Việc thông tin về phương án sáp nhập và tên gọi qua báo chí cũng là một cách lấy ý kiến nhân dân".

Về việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội đánh giá nhiều bộ chủ động giải quyết trước thời hạn. Nhiều kiến nghị liên quan đến quyền lợi người dân đã các bộ, ngành được nghiên cứu, tiếp thu tích cực, xem xét xử lý.

Một số kiến nghị được nêu trong báo cáo giám sát tại kỳ họp trước được cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo kịp thời để trả lời.

"Văn bản trả lời tốt hơn, không lòng vòng, chung chung, hình thức và cử tri cảm thấy hài lòng", Chủ tịch Quốc hội nói và đánh giá cao việc này đồng thời đề nghị cần tiếp tục phát huy, có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, lấy sự hài lòng của cử tri, người dân làm thước đo.

Chủ tịch Quốc hội nhắc lại việc Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì cuộc họp của các bộ ngành để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri còn tồn đọng từ trước tới nay và giao cho bộ, ngành và địa phương thực hiện.

"Nhân dân hết sức hoan nghênh và ủng hộ khi Đảng, người đứng đầu Đảng rất quan tâm việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân", ông nói.

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong báo cáo lần này, cần bổ sung, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế cũng như giải pháp khắc phục rõ ràng hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát các hướng dẫn của Chính phủ và bộ, ngành Trung ương về 18 luật và nhiều nghị quyết quan trọng đã thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã đến địa phương chưa; hướng dẫn như thế nào để tránh trường hợp Trung ương hướng dẫn rồi nhưng địa phương triển khai chậm.

Trang Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/chu-tich-quoc-hoi-tra-loi-kien-nghi-cu-tri-da-tot-hon-khong-long-vong-chung-chung-192250414120511349.htm