Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Tọa đàm về xây dựng, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế

Sáng 28-7, giờ địa phương, tại Geneva, Thụy Sĩ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Tọa đàm 'Xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế - khuyến nghị cho Việt Nam'. Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Tham dự Tọa đàm có: Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Về phía Thụy Sĩ có: Trưởng Bộ phận Hỗ trợ kinh tế vĩ mô, Tổng cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ Jürg Vollenweider; Nghị sĩ Quốc hội bang Geneva, Tổng giám đốc Đại học khoa học ứng dụng Swiss UMEF; Trưởng Nhóm Đổi mới tài chính, Diễn đàn Kinh tế thế giới Guillaume Hingel; Thành viên Ban Quản trị cao cấp Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ và nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng của Thụy Sĩ.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Bộ Tài chính và các cơ quan phối hợp tổ chức tọa đàm, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam tới Thụy Sĩ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Trung tâm tài chính quốc tế là mô hình mới ở Việt Nam nhưng lại là mô hình đã hoạt động lâu đời tại Thụy Sĩ; mong muốn các cơ quan, chuyên gia Thụy Sĩ chia sẻ và khuyến nghị cho Việt Nam về xây dựng, quản lý, vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam.

Giới thiệu một số thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có nền kinh tế đứng thứ 34 trên thế giới và đang trên đà phát triển, được các các tổ chức quốc tế công nhận, đánh giá cao. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,09%, 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, quy mô GDP đạt hơn 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, ban hành mới và sửa đổi các luật liên quan để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đặc biệt, ngày 27-6-2025, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 222/2025/QH15, quy định về việc thành lập, hoạt động, quản lý, giám sát và các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhằm thu hút nguồn vốn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Việt Nam và Thụy Sĩ có mối quan hệ truyền thống, gắn bó lâu đời. Những năm gần đây, hợp tác chính trị – ngoại giao giữa hai nước tiếp tục được tăng cường thông qua các chuyến thăm cấp cao và đối thoại song phương. Các hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng ngày càng phát triển. Trong đó, tính đến tháng 6-2025, Việt Nam ghi nhận 214 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực từ Thụy Sĩ, với tổng vốn đăng ký khoảng 2,03 tỷ USD với các lĩnh vực đầu tư chủ yếu bao gồm: Công nghiệp chế biến – chế tạo (chiếm tỷ trọng lớn nhất), dịch vụ thương mại, dược phẩm, ngân hàng – bảo hiểm, và công nghệ thực phẩm.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tọa đàm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tọa đàm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chứng kiến trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chứng kiến trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước.

Nhấn mạnh, tiềm năng, lợi thế của hai nước vẫn còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của Thụy Sĩ, các tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện các văn kiện hợp tác đã ký kết giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư Thụy Sĩ vào Việt Nam; các nhà đầu tư Việt Nam vào Thụy Sĩ đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là trong những lĩnh vực, ngành hàng mà mỗi nước có thế mạnh và nhu cầu.

Tại tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia hai bên đã xem video giới thiệu về tình hình kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư của Việt Nam và tập trung trao đổi, đối thoại về: Chiến lược và khung pháp lý phát triển các Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam; các yếu tố hỗ trợ thành lập và vận hành các Trung tâm Tài chính quốc tế; kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong thuế, chính sách và khung pháp lý phát triển trung tâm tài chính; cập nhật mô hình Ngân hàng Tư nhân truyền thống Geneva; quan điểm về tài chính, phát triển, ngân hàng số, Fintech và tài chính toàn diện; chiến lược Fintech cho Trung tâm Tài chính quốc tế…

Các đại biểu, chuyên gia Thụy Sĩ đánh giá cao việc Việt Nam quyết định xây dựng Trung tâm Tài chính toàn cầu, cho rằng, đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với xu hướng hội nhập sâu rộng của hệ thống tài chính toàn cầu. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, Việt Nam có đủ vị thế tài chính để phát triển và xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Việt Nam đang đi đúng hướng để có thể phát triển mạnh mẽ và mong muốn trong tương lai, hai bên sẽ tiếp tục đồng hành chặt chẽ với nhau.

Tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu đã chứng kiến trao Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính và Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính và Hiệp hội Fintech Thụy Sĩ; Biên bản ghi nhớ giữa VDB và Công ty Dữ liệu Thương mại Thụy Sĩ.

VŨ DUNG (từ Geneva, Thụy Sĩ)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-du-toa-dam-ve-xay-dung-van-hanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-839022