Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước
Chiều 3-7, tại Bình Phước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Bình Phước nhận thức rất rõ cơ hội phát triển của tỉnh, có nhiều điều kiện thuận lợi, từng bước phát triển giao thông kết nối chiến lược, khoảng cách từ tỉnh đến cảng biển, sân bay không quá xa. Tỉnh đã chủ động quy hoạch phát triển, trong đó lấy công nghiệp hóa làm trung tâm, phát triển nông nghiệp trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu, phát huy hiệu quả, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào nông nghiệp để hình thành chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thương mại, dịch vụ theo kịp với các lĩnh vực sản xuất.
Tỉnh Bình Phước đã ban hành gần 60 chủ trương về phát triển kinh tế-xã hội, đi kèm là đề án của UBND tỉnh và các cơ quan để triển khai. Kết quả đạt được khá tích cực, tăng trưởng kinh tế 3 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đạt hơn 8%/năm; năm 2024 dự kiến đạt hơn 8%. Các mặt công tác về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa-xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ những lợi thế của tỉnh Bình Phước. Theo đó, đây là địa phương có truyền thống cách mạng lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, có nhiều di tích lịch sử quốc gia. Tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; quan trọng trong chính sách phát triển các đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Bên cạnh đó, tỉnh có quỹ đất rộng 6.877km2, dân số ít chỉ 1,1 triệu người; đất đai màu mỡ, là “thủ phủ” của các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao là cao su, điều, tiêu; khí hậu hiền hòa và gần như không có bão lụt. Nhân dân cần cù, sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước ngày nay.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp trong vùng, nông-lâm nghiệp chiếm tới 70% cơ cấu kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước; đến nay Bình Phước đã bứt phá đi lên.
Chủ tịch Quốc hội điểm lại những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 11 so với cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,76%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng/người. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,4%; thấp hơn mức bình quân của cả nước… Đặc biệt, tỉnh đã nỗ lực, cố gắng thực hiện 2 dự án trọng điểm giao thông là dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành và dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; duy trì thường xuyên quan hệ gặp gỡ với 6 tỉnh Campuchia và các tỉnh Nam Lào.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ vấn đề tại sao “có tiền lại không tiêu được”; nguyên nhân của tình trạng này là do thủ tục, công tác đền bù, tái định cư chậm hay lựa chọn nhà thầu không có năng lực. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cần quan tâm hơn. Ngành Du lịch tuy phát triển nhưng chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Các thiết chế văn hóa - thể thao chưa đồng bộ...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, bất cứ giá nào cũng phải đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bình Phước tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, tập trung xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xem xét cần cơ chế gì để HĐND tỉnh ban hành nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút đầu tư các nơi khác để phát triển kinh tế - xã hội, khu công nghiệp, làng nghề...; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bình Phước sớm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; sớm triển khai điều chỉnh mức hưởng lương cho cán bộ hưu trí và trợ cấp xã hội, trợ cấp cho người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của HĐND tỉnh Bình Phước để HĐND thực sự là tiếng nói của cử tri, giám sát quyết định các vấn đề quan trọng; phối hợp, đồng hành cùng UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trước mắt, tỉnh cần triển khai nghiêm túc, bài bản đến các cấp ủy, tổ chức, đảng viên trong hệ thống chính trị Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị “về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” cũng như chuẩn bị bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự xã hội.