Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm Maroc: Cầu nối tạo đà cho hợp tác kinh tế
Việc trao đổi thường xuyên giữa các lãnh đạo cấp cao chính là sự đảm bảo tốt nhất để doanh nghiệp Việt Nam - Maroc tự tin mở rộng hoạt động và tăng cường hợp tác. Đó là khẳng định của Đại sứ Jamale Chouaibi trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
PV: Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và kỳ vọng về chuyến thăm Maroc sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn tới Maroc là một minh chứng rõ ràng cho ý chí chính trị chân thành từ cả hai phía trong việc thúc đẩy, củng cố và mở rộng quan hệ đối tác. Chuyến thăm cũng thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau sâu sắc giữa hai quốc gia. Như chúng ta đã biết, để một mối quan hệ đối tác phát triển mạnh mẽ, hai bên cần chia sẻ những nền tảng và giá trị chung. Chúng tôi tự hào rằng Maroc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Đầu tiên, cả hai quốc gia đều giữ nguyên tắc thúc đẩy hòa bình và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Cả hai đều có nhiều đóng góp trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại sứ Maroc tại Việt Nam Jamale Chouaibi
Ngoài ra, hai quốc gia đều có lợi thế về vị trí địa chính trị chiến lược. Maroc coi Việt Nam là cửa ngõ vào Đông Nam Á, khi Việt Nam đóng vai trò chủ chốt trong ASEAN. Còn với Việt Nam, Maroc cũng có thể là cầu nối để vươn tới châu Phi và châu Âu. Những điểm tương đồng này tạo đà để phát triển quan hệ song phương thực chất và hiệu quả hơn.
PV: Trong các trụ cột hợp tác giữa hai nước, kênh đối ngoại nghị viện luôn được coi trọng phát triển. Vậy Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của quốc hội và nghị viện hai nước trong việc thúc đẩy và định hướng hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Maroc?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Mỗi chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đều gửi đi tín hiệu chính trị rõ ràng về quyết tâm hợp tác từ các cấp lãnh đạo. Chúng tôi cũng rất vui khi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ dẫn đầu phái đoàn kinh tế đa ngành tới tham dự một Diễn đàn kinh tế tại Maroc.
Việt Nam và Maroc cách khá xa nhau về khoảng cách địa lý, do đó các doanh nghiệp vẫn còn nhiều do dự, nhưng khi được thấy trao đổi thường xuyên ở các cấp cao nhất, họ sẽ yên tâm mở rộng hoạt động và tăng cường đầu tư. Như tôi đã nói, việc cả hai quốc gia có cùng chí hướng, nhiều điểm tương đồng, sẽ là đòn bẩy hướng tới những hợp tác chất lượng và hiệu quả hơn. Cũng thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ tự xác định thêm được những lĩnh vực then chốt mới để hợp tác tạo dựng liên doanh.
Có thể nói việc trao đổi thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo như một đầu tàu, kéo theo sự tham gia của nhiều đối tác kinh tế. Họ đã gửi đi những tín hiệu rất rõ ràng tới cộng đồng doanh nghiệp. Ngoại trừ giai đoạn dịch Covid-19, tiếp xúc cấp cao giữa Quốc hội hai nước được duy trì thường xuyên, nhiều cuộc gặp bên lề AIPA, và sắp tới là chuyến thăm Maroc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Có thể nói, ngoại giao nghị viện thực sự đang là một trong những trụ cột dẫn dắt quan hệ Maroc - Việt Nam.
PV: Trong các cuộc gặp cấp cao như Đại sứ vừa nhắc tới, chẳng hạn như cuộc gặp giữa Chủ tịch Hạ viện Maroc Rachid Talbi El Alami và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn hồi tháng 1 năm nay, hai bên đều khẳng định sẽ đẩy mạnh hợp tác thực chất và hiệu quả. Vậy chúng ta có thể kỳ vọng gì cho quan hệ song phương trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Cuộc gặp là cơ hội quý giá để hai bên khẳng định rằng mối quan hệ Maroc và Việt Nam không nên chỉ giới hạn ở trao đổi thương mại. Cả hai nước đều đang triển khai nhiều chương trình phát triển đầy tham vọng trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, tăng tốc công nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có thể triển khai các liên doanh, công nghiệp, chuyển giao kỹ thuật và chia sẻ thực tiễn.
Một lĩnh vực hợp tác then chốt khác là logistics. Hai nước đang thảo luận khả năng kết nghĩa giữa các cảng như cảng TP.HCM và Tangier-MED hoặc Casablanca; hay Hải Phòng và Agadir. Khi có các tuyến hàng hải trực tiếp, lưu thông hàng hóa giữa hai nước sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Ngoài ra, còn có lĩnh vực tài chính. Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm Maroc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn đại biểu liên ngành sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận thêm về hợp tác giữa trung tâm tài chính TP.HCM và Casablanca Finance City – trung tâm tài chính lớn nhất châu Phi.
Cần nhấn mạnh, Maroc và Việt Nam là hai nền kinh tế có tính bổ sung. Maroc có thế mạnh về năng lượng tái tạo, công nghiệp ô tô, thủy sản; Việt Nam lại có nhiều lợi thế về công nghiệp chế biến, điện tử, nông nghiệp. Đây sẽ là nền tảng tốt cho sự hợp tác lâu dài.
Nếu không giới hạn hợp tác chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà mở rộng ra cả hợp tác công nghiệp, liên doanh trong lĩnh vực phân bón, năng lượng xanh – những lĩnh vực mà cả hai nước đều đã tích lũy được kinh nghiệm, thì hợp tác Maroc - Việt Nam chắc chắn sẽ mở ra một chân trời mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.