Chủ tịch Quốc hội: Tránh tình trạng trụ sở làm việc trở thành nơi trâu bò, gà vịt ra vào

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá thực tế vừa qua, có nhiều trụ sở xã, phường sau sáp nhập còn để trống, chưa sử dụng, thanh lý...

Sáng 23-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang.

3 tỉnh đầu tiên sáp nhập huyện xã, giảm 1 huyện, 53 xã

Báo cáo tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay tỉnh Sóc Trăng có huyện Cù Lao Dung thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025. Tuy nhiên, do có yếu tố đặc thù, tỉnh đề nghị không thực hiện sắp xếp.

Đối với ĐVHC cấp xã có một phường thuộc diện sắp xếp và một phường liền kề.

Sóc Trăng nhập toàn bộ diện tích và dân số của phường 1 với phường 9 để thành lập phường 1 (mới) thuộc TP Sóc Trăng. Sau sắp xếp, tỉnh Sóc Trăng giữ nguyên 11 ĐVHC cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện); giảm một phường, còn 108 ĐVHC cấp xã (80 xã, 16 phường, 12 thị trấn).

Sau sắp xếp, Sóc Trăng dôi dư 18 người (12 cán bộ, công chức và sáu người hoạt động không chuyên trách). Trong năm 2024, Sóc Trăng dự kiến giải quyết dứt điểm sáu người hoạt động không chuyên trách dôi dư và đến năm 2025 giải quyết dứt điểm 12 cán bộ, công chức dôi dư.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trong khi đó, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Nam Định có 2/10 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp (huyện Mỹ Lộc và TP Nam Định); 77/226 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp (55 xã, 17 phường, 5 thị trấn).

Ngoài ra, Nam Định đề nghị thành lập hai phường (Nam Phong, Nam Vân) trên cơ sở nguyên trạng hai xã (Nam Phong, Nam Vân) thuộc TP Nam Định. Như vậy, tỉnh Nam Định thực hiện sắp xếp 79/226 ĐVHC cấp xã.

Sau khi nhập huyện Mỹ Lộc vào TP Nam Định, tỉnh Nam Định giảm một huyện (Mỹ Lộc), còn chín ĐVHC cấp huyện gồm tám huyện và một TP.

Thực hiện 28 phương án thành lập, sắp xếp đối với 79 ĐVHC cấp xã, Nam Định giảm từ 226 ĐVHC cấp xã còn 175 ĐVHC cấp xã (146 xã, 14 phường, 15 thị trấn), giảm 51 ĐVHC cấp xã.

Bộ trưởng Nội vụ cho hay tổng số cán bộ, công chức hiện có của TP Nam Định và huyện Mỹ Lộc là 262 người. Sau sắp xếp bố trí theo quy định 206 người, dôi dư 56 người.

Với ĐVHC cấp xã, sau sắp xếp bố trí theo quy định 1.053 người; dôi dư 1.060 người (732 cán bộ, công chức và 328 người hoạt động không chuyên trách).

Đề án của Nam Định nêu rõ phương án, lộ trình từng năm để bảo đảm trong thời hạn năm năm (đến tháng 9-2029) sẽ hoàn thành việc giải quyết chế độ, chính sách cho các cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư .

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tỉnh Tuyên Quang dự kiến nhập toàn bộ diện tích và dân của xã Hồng Lạc với xã Vân Sơn để thành lập xã Hồng Sơn (mới) thuộc huyện Sơn Dương. Qua đó giảm một xã, còn 137 ĐVHC cấp xã (121 xã, 10 phường, sáu thị trấn).

Tỉnh Tuyên Quang giữ nguyên bảy ĐVHC cấp huyện (sáu huyện và một TP). Sau sắp xếp, Tuyên Quang dôi dư là 24 người (16 cán bộ, công chức và tám người hoạt động không chuyên trách).

Tuyên Quang cũng đã xây dựng phương án, lộ trình để bảo đảm trong năm 2024 giải quyết dứt điểm tám người hoạt động không chuyên trách dôi dư và đến năm 2025 giải quyết dứt điểm 16 cán bộ, công chức dôi dư này.

Thà làm chậm mà chắc

Cơ bản tán thành với đề án Chính phủ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, cũng như bổ sung kịp thời các quy định, hướng dẫn có liên quan.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt, ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn ĐVHC thực hiện sắp xếp.

Cạnh đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong việc thay đổi con dấu, giấy tờ; rà soát, xác định rõ những chính sách, đối tượng sẽ bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp để có kế hoạch, lộ trình thực hiện phù hợp, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, ổn định đời sống của Nhân dân.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ những vấn đề dư luận đề cập liên quan đến việc sắp xếp vừa qua, làm sao để đảm bảo tiết kiệm ngân sách nhà nước. Cụ thể, một số ĐVHC khi nhập lại thì trụ sở, cơ quan cũ tính toán thanh lý như thế nào để không lãng phí.

“Thực tế sắp xếp vừa qua, có nhiều trụ sở xã phường sau sáp nhập còn để trống, chưa sử dụng, thanh lý. Các đồng chí phối hợp địa phương tính toán không để các trụ sở này trống nhiều năm, trở thành nơi trâu bò, gà vịt ra vào” - Chủ tịch Quốc hội nói.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu đối với những nơi có số lượng ĐVHC phải sắp xếp nhiều thì khảo sát cụ thể từng xã, huyện để nắm bắt tình hình, tạo đồng thuận trong nội bộ và nhân dân.

“Tăng cường đi khảo sát, nắm tình hình nhiều hơn. Thà làm chậm mà chắc, để tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân” - theo Chủ tịch Quốc hội.

Cạnh đó, ông cũng yêu cầu quan tâm đến sắp xếp tổ chức bộ máy sau sắp xếp; giải quyết chính sách với cán bộ dôi dư, làm tốt công tác tư tưởng. Trong đó, cần quan tâm sắp xếp các chức danh chủ chốt để tổ chức ổn định bộ máy, chuẩn bị đại hội đảng các cấp trong năm 2025, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND khóa tới.

“Mỗi lần sắp xếp là thay dấu, thay tên, thay địa chỉ, ảnh hưởng rất nhiều đến người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, các đồng chính phải tính toán, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong việc thay đổi giấy tờ” - vẫn lời Chủ tịch Quốc hội.

Kết luận nội dung này Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã chuẩn bị hồ sơ, tờ trình đầy đủ, chu đáo, đảm bảo đúng quy định, đảm bảo yêu cầu để Thường vụ Quốc hội thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đề án để gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ, phấn đấu trong tháng 8 và 9 hoàn thành việc này.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-quoc-hoi-tranh-tinh-trang-tru-so-lam-viec-tro-thanh-noi-trau-bo-ga-vit-ra-vao-post801778.html