Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bám sát nghị quyết của Đảng, Hiến pháp khi xây dựng dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)

Chiều 18-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Chủ tịch Quốc hội và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng đại diện các cơ quan hữu quan đã làm việc với Tòa án Nhân dân Tối cao về dự án luật này.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, các luật về tổ chức các cơ quan Nhà nước đã có sự chỉnh lý, từng bước hoàn thiện. Việc xây dựng dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) lần này là rất cần thiết. Hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các nội dung của dự án luật cơ bản bám sát và thể chế hóa khá toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp; mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất một số quy định mới hơn so với luật hiện hành. Ủy ban Tư pháp rất trách nhiệm, tham gia từ sớm, có báo cáo sơ bộ và tiến hành thẩm tra rất thận trọng.

Dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) được xây dựng để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Thường trực Ủy ban Tư pháp nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, các ý kiến trong Ủy ban Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội để xây dựng dự án luật, báo cáo thẩm tra đạt chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý về phạm vi và đối tượng điều chỉnh phải bảo đảm theo đúng nội dung của dự án luật. Các vấn đề được quy định trong luật khác thì không cần đưa vào dự thảo luật này. Ví dụ như vấn đề về ngân sách đã được quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước và hiện vẫn đang được thực thi rất tốt, không gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại gì nên không nhất thiết phải đưa vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

Cần hết sức cân nhắc khi đưa vào dự án luật những định nghĩa mang tính học thuật; lưu ý quy định của Hiến pháp về quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của nhân dân.

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, việc hoàn thiện cơ chế giám sát hoạt động của Tòa án là cần thiết để bảo đảm Tòa án Nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng quy định của pháp luật, tránh lạm quyền. “Tôi đọc trong dự thảo thấy tên điều luật là giám sát hoạt động của Tòa án nhưng lại quy định cả về điều tra và thanh tra. Vấn đề này không thống nhất với nội hàm của khái niệm giám sát và tiêu đề của mục này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Tư pháp lưu tâm vấn đề Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu về Tòa án chuyên biệt. Tòa án chuyên biệt là xu thế tất yếu và cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, hiện tại rất khó quy định cụ thể luôn trong luật rằng Tòa chuyên biệt bao gồm những tòa nào, mà nên xây dựng đề án cụ thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật cần kế thừa quy định của luật hiện hành, có kế thừa, có đổi mới, có phát triển nhưng bản chất một luật về tổ chức bộ máy là trên tinh thần kế thừa, có mở rộng, có đổi mới, song không quy định tràn sang các lĩnh vực khác và không quy định lại các vấn đề mà luật khác quy định…

* Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-bam-sat-nghi-quyet-cua-dang-hien-phap-khi-xay-dung-du-an-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi-743283