Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh
Sáng 7.5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Dự cuộc làm việc về phía Đảng đoàn Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng Đoàn Quốc hội: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường...
Về phía Thành phố Hồ Chí Minh có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND cùng đại diện lãnh đạo các Sở ngành.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan.
TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo không chỉ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới.
Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiều giải pháp lớn để tiếp tục xây dựng và phát triển Thành phố và có giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Quốc hội cũng đã có Nghị quyết số 76/2022/QH15 cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đến ngày 31.12.2023. Đảng Đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về xây dựng “Đề án xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội.
Tại Kỳ họp bất thường đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9.1.2023 về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định “Xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á”; “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…”
Trên cơ sở đó, đến nay, với sự chuẩn bị tích cực, các cơ quan đã hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Cuộc làm việc của Đảng đoàn Quốc hội lần này nhằm cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 tới.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của TP. Hồ Chí Minh, cùng các cơ quan của Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Ghi nhận, hồ sơ hiện đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23 tới, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội cũng tán thành cao việc trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ Năm tới theo quy trình tại một kỳ họp để bảo đảm tính kịp thời trong triển khai Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và yêu cầu của Quốc hội tại các Nghị quyết số 76, Nghị quyết số 81.
Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lâm Hiển
Tuy nhiên để bảo đảm điều kiện, chất lượng trình Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao, các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung chính sách cụ thể; các quy định phải bảo đảm tính thiết thực, góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, các điểm nghẽn, khắc phục sức ỳ trong phát triển thời gian qua. Chính sách mới cần mang tính đột phá mạnh mẽ, vượt trội theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống, khả thi, minh bạch và phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh mà còn với vùng miền và cả nước.
Các thành viên Đảng đoàn Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu trong tổ chức thực hiện, cần thể hiện quyết tâm cao bằng việc sớm dự kiến các kế hoạch triển khai, xác định rõ các công việc, danh mục văn bản cần ban hành của các cơ quan; đồng thời có kiểm tra giám sát.
Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Chính phủ, nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh trong việc hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết trình Quốc hội; đánh giá cao sự tìm tòi, nghiên cứu của Thành phố để có nhiều đề xuất chính sách mới. Qua quá trình thảo luận cho thấy các cơ quan, các ý kiến đều đồng tình, ủng hộ Thành phố. Đây là cơ sở thuận lợi để tiếp tục hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới.
Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ủy ban Tài chính – Ngân sách chủ động nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện tờ trình, hồ sơ dự án Nghị quyết, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo thẩm tra, trong đó làm rõ các nội dung nhận được đa số đồng tình, nội dung còn một số ý kiến khác nhau. Các cơ quan cũng phải thể hiện rõ chính kiến về các nội dung, có kiến nghị, đề xuất cụ thể, rà soát kỹ lưỡng các điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp.