Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chuyển đổi số giúp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhanh hơn, đột phá hơn

Làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững có tính đột phá hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền Thông. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền Thông. Ảnh: Lâm Hiển

Chiều 29.3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, tình hình xây dựng, triển khai các dự án luật do Bộ chủ trì xây dựng và kết quả chuyển đổi số quốc gia, xây dựng thể chế số.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Cùng dự có: Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Chuyển đổi số - cơ hội cho những nước đi sau

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ được Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9 tới. Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Hội nghị tập trung vào vai trò và sự đóng góp của giới trẻ, nghị sỹ trẻ nhằm giải quyết những thách thức phát triển thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và con người để thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Trong đó, chuyển đổi số là một trong ba nội dung xuyên suốt chủ đề chung của Hội nghị và là một trong ba phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị cần có sự tham gia, phối hợp chuẩn bị nội dung ngay từ đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Bộ TT và TT cho biết, Bộ đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được phân công chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Bộ cũng đề xuất 10 chuyên đề để lựa chọn thảo luận tại Hội nghị và nêu một số đề xuất cụ thể về tổ chức hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các chuyên đề mà Bộ TT và TT đề xuất, trong đó có chuyên đề “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, “Chuyển đổi số và phát triển bền vững, giải quyết các bài toán thiên niên kỷ”, “Chuyển đổi số và thể chế số”, “Chuyển đổi số và chủ quyền số”… Đồng thời cho rằng, nhờ có cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ sẽ có tính đột phá hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Nhấn mạnh Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu là cơ hội rất tốt đến quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TT và TT tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, đóng góp sâu về nội dung để góp phần tổ chức thành công Hội nghị; cử đại diện tham gia Ban Tổ chức Hội nghị và Tiểu ban Nội dung. Ban Tổ chức Hội nghị sẽ phối hợp với Tiểu ban Nội dung lựa chọn chủ đề của các phiên thảo luận để gửi các nghị viện thành viên và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Hiện nay, Quốc hội và Ban Thư ký IPU đang tích cực chuẩn bị Hội nghị, dự kiến Hội nghị sẽ ra Tuyên bố chung. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TT và TT phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan hữu quan sớm xây dựng khung văn kiện của Hội nghị, nhất là khung dự thảo Tuyên bố chung.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

“Cần khẳng định rõ thông điệp của chúng ta trong lĩnh vực này. Có những thông điệp đã được bạn bè quốc tế hoan nghênh, đánh giá rất cao như: chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Hay với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với công cuộc chuyển đổi số thì các quốc gia đều có thể quay về điểm xuất phát - đây cũng chính là cơ hội cho những nước đi sau vì tương lai không đơn thuần là một đường kéo dài của quá khứ nữa mà sẽ có những bước phát triển mang tính đột phá, thậm chí mang tính chất phá hủy, đơn cử như các mô hình sản xuất, kinh doanh cũ sẽ không còn đất để tồn tại...”

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Gợi mở như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng khác cần được nghiên cứu thể hiện trong khung văn kiện Hội nghị như: xây dựng hạ tầng số cho chuyển đổi số, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; hệ sinh thái cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo bao gồm cả vấn đề nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực và thể chế; bảo đảm chủ quyền số quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và niềm tin số trên không gian số... “Đây là những vấn đề rất lớn, mang tính toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể tự mình làm được”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ TT và TT tổ chức các khu trưng bày sản phẩm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khu trưng bày sản phẩm OCOP để giới thiệu và quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế; hỗ trợ, cùng với Đoàn Thanh niên tổ chức Diễn đàn tăng cường năng lực số cho giới trẻ; đẩy mạnh thông tin truyền thông trước, trong và sau Hội nghị...

Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột

Về chuyển đổi số và thể chế số, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Bộ TT và TT cho biết, chuyển đổi số ở nước ta được tiến hành trên 3 trụ cột: Chính phủ số; kinh tế số và xã hội số. Với cách tiếp cận toàn dân về chuyển đổi số, lấy người dân là trung tâm, kết quả chuyển đổi số quốc gia của nước ta đến nay đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Theo đó, trong số 193 quốc gia, Việt Nam hiện đã xếp hạng 86 về Chính phủ số, Chính phủ điện tử, xếp hạng 76 về dịch vụ công trực tuyến, xếp hạng 87 về dữ liệu mở; xếp hạng 25 về an toàn, an ninh mạng. Chỉ số Chính phủ số thuộc nhóm quốc gia ở mức cao.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành TT và TT trong 5 năm qua đạt 12,4%, gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Năm 2022, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông đạt 3.893.595 tỷ đồng; nộp ngân sách 98.982 tỷ đồng; lao động toàn ngành đạt 1.510.027 người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam theo ước tính năm 2021 của Google Temasek tăng 28%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Bộ TT và TT ước tính đóng góp của kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 11,91%, năm 2022 đạt 14,26% và đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 20%.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cuốn sách tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cuốn sách tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Lâm Hiển

Nhấn mạnh chuyển đổi số là thay đổi cách thức vận hành, lãnh đạo Bộ TT và TT nêu rõ, nếu thể chế không thay đổi trước thì các ứng dụng của chuyển đổi số không có “đất” phát triển. Tuy nhiên, thay đổi về thể chế luôn là thách thức lớn với các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Do đó, một cách an toàn để đổi mới thể chế là cho phép thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox), sau khi thử nghiệm thành công thì mở rộng. Cùng với đó là học hỏi kinh nghiệm thành công về chuyển đổi số của các nước khác; chuyển cách tiếp cận từ kiểm soát rủi ro bằng 0 sang quản lý rủi ro (xem xét tổng thể lợi ích và rủi ro).

Bộ TT và TT đã xây dựng bản đồ thể chế số, xác định rõ các luật, nghị định cần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thể chế số. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; đang trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Trong năm nay, Bộ cũng chủ trì xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, và tới đây sẽ chủ trì xây dựng các dự án Luật sửa đổi Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Bưu chính, xây dựng dự án Luật Chính phủ số.

Đánh giá cao và chúc mừng những kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác mà Bộ TT và TT đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã xác định “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”; công nghệ số là lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số là nguồn lực cơ bản, đổi mới số là động lực cơ bản.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Chủ tịch Quốc hội, điều này đặt ra đối với Bộ TT và TT nhiều nhiệm vụ rất mới, rất phức tạp và có những việc chưa có tiền lệ, đòi hỏi ngành TT và TT phải nỗ lực triển khai nhiều nhóm giải pháp quan trọng. Cụ thể là, đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật phát triển hạ tầng số tiến tới chuyển đổi số quốc gia thông qua việc xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao; mô hình kinh tế chia sẻ; giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số; đầu tư mạo hiểm; các phương thức thanh toán mới; hệ thống xác thực và định danh điện tử.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đầu tư thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Lâm Hiển

“Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng như vậy, Bộ TT và TT đã có những bước chuyển rất quan trọng, là một trong những bộ hoạt động rất năng động cả trên bình diện xây dựng thể chế, chính sách, phát huy vai trò quản lý nhà nước và thúc đẩy sự phát triển của 3 trụ cột chuyển đổi số quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ TT và TT đã tích cực tham mưu cho Chính phủ để thay đổi nhận thức, cách làm trong công tác truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước theo quan điểm: truyền thông chính sách phải được coi là một việc, một chức năng của chính quyền;chính quyền cần bố trí bộ máy, con người và nguồn lực ngân sách phù hợp cho công tác này, trong đó có ngân sách để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí tham gia cùng truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. “Đây là vấn đề rất quan trọng, một bước tiến mới”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Nhấn mạnh lại quan điểm chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cách mạng về công nghệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TT và TT tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, không chỉ “đóng khung” trong các nhiệm vụ lập pháp đã được xác định mà theo yêu cầu, theo sự đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống nếu cần thiết phải ban hành luật thì Quốc hội sẵn sàng bổ sung chương trình để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Bộ TT và TT sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, nỗ lực, luôn là một trong những cơ quan đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm triển khai hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Thay mặt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành TT và TT, Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã xác định đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Chuyển đổi số tạo cơ hội để giải quyết các bài toán lớn kéo dài, các bài toán thiên niên kỷ của Việt Nam, tạo ra cơ hội để giải quyết 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chuyển đổi số cũng tạo cơ hội cho đổi mới sáng tạo.

“Bộ TT và TT lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để tổ chức triển khai thực hiện; đặc biệt là xây dựng và hoạch định thể chế số, mở đường cho chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi số trở thành phương thức phát triển mới có tính đột phá giúp đẩy nhanh và rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng cũng cam kết Bộ TT và TT sẽ chuẩn bị tốt nhất các nội dung liên quan đến chuyển đổi số tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; phối hợp tổ chức công tác thông tin và tuyên truyền về hội nghị với tinh thần hội nghị là sự kiện đối ngoại đa phương, trọng tâm của đối ngoại Quốc hội trong năm 2023; cam kết về chất lượng và thời gian đối với các dự án luật do Bộ dự thảo, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội; chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng tham gia xây dựng Quốc hội điện tử, nhất là phần mềm Al để rà soát, phát hiện các điểm chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, nhất là khi ban hành luật mới có mâu thuẫn với các luật hiện hành hay không; phát triển trợ lý ảo cho từng đại biểu Quốc hội...

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-chuyen-doi-so-giup-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-nhanh-hon-dot-pha-hon-i320772/