CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY HÀ NỘI

Chiều 25/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tình hình triển khai Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Tp.Hà Nội và Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Tp.Hà Nội và việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.

Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan.

Về phía Tp.Hà Nội có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Trần Sĩ Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Tuấn, cùng các Phó Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân, Giám đốc các sở, ban, ngành và Bí thư các quận/huyện ủy.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc

Tại buổi làm việc, trình bày báo cáo tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, ngay sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp và người dân Thủ đô, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện.

Trong đó, về thực hiện Nghị quyết số 68/2022/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã góp phần phục hồi mạnh mẽ kinh tế Thủ đô sau đại dịch COVID-19, các cân đối lớn được đảm bảo.

Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, Thành phố đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường; đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 Ủy ban nhân dân phường với 2.452 người (giảm 252 người). Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Ủy ban nhân dân phường được đảm bảo, tăng cường. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, song vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có trong nghị quyết đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua. Nghị quyết đã tạo khuôn khổ pháp lý riêng về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô, giúp Thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Liên quan đến việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố chủ động triển khai việc tổng hợp thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và phối hợp với Bộ Tư pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng Ban.

Trong đó, kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nội dung đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở quan trọng để Thành ủy đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý nội dung thảo luận tại buổi làm việc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý nội dung thảo luận tại buổi làm việc

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Gợi ý nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ buổi làm việc lần này diễn ra trong bối cảnh kỉ niệm 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Tp.Hà Nội, triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời là thời điểm nhìn lại giữa nhiệm kỳ và chuẩn bị trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đại biểu cùng dự buổi làm việc

Các đại biểu cùng dự buổi làm việc

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Thành phố đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi làm việc, có báo cáo khái quát các nội dung làm việc. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ, nhận định khả năng hoàn thành mục tiêu cả năm và cả nhiệm kỳ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó nhấn mạnh những kết quả thành tựu nổi trội và nổi bật nhất của thành phố so với cả nước, những nội dung cần lưu ý khắc phục hạn chế tồn tại và những vấn đề gửi gắm đến Thủ đô với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Xem xét các kiến nghị của Thành phố đặt trong bối cảnh thực hiện tổng rà soát hệ thống pháp luật để kiến nghị sửa đổi bổ sung các luật liên quan.

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo chương trình tại Kỳ họp thứ 6 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Việc xây dựng Luật gắn với Nghị quyết 97/2019/QH14 và Nghị quyết 115/2020/QH14 để có thêm cơ sở để sửa đổi, bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý các vấn đề cần quan tâm, làm rõ là Luật Thủ đô này sẽ quy định những gì, những vấn đề cần luật hóa để cho phát triển Thủ đô vừa là một đô thị đặc biệt, là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa hợp tác quốc tế…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với quy định cho đô thị đặc biệt, Hà Nội còn tỉ lệ đô thị hóa còn khiêm tốn nên cần thiết có quy định để quản trị và có dư địa phát triển tốt hơn; cùng với đó là những vấn đề về nguồn lực để Thủ đô phát triển gồm nhân lực, vật lực và tài lực; giải pháp giải quyết những vướng mắc về đơn giá định mức đầu tư công, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; phân cấp phân quyền… không để Luật Thủ đô trở thành luật khung luật ống, cùng với đó là quy định về áp dụng pháp luật, bảo đảm thuận lợi trong áp dụng, tổ chức thực hiện.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu chúc mừng những thành tựu đạt được của Thành phố, đánh giá cao việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; ghi nhận diện mạo của Thành phố sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính trở nên hiện đại, văn minh, đời sống vất chất tinh thần người dân được cải thiện, cho thấy Thành phố đã khai thác tương đối hiệu quả các chính sách đặc thù mà các nghị quyết của Quốc hội trao cho.

Trên cơ sở gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, tiến độ triển khai xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các nội dung chính của dự thảo Luật bảo đảm khả thi, đồng bộ, hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới...

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Các đại biểu cùng dự buổi làm việc.

Các đại biểu cùng dự buổi làm việc.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/ct-vuong-dinh-hue/pages/ct-vuong-dinh-hue.aspx?itemid=78259