CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI

Sáng 28/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Dự buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ủy ban Kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ủy ban Kinh tế

Theo quy định tại Điều 72 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có 03 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn về thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chính sách kinh tế; thẩm tra mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; chính sách cơ bản về tiền tệ quốc gia; tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh.

Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua 13 luật và 02 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có 05 luật ban hành mới, 08 luật sửa đổi, bổ sung; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung và 01 nghị quyết giải thích luật. Ủy ban cũng đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra 09 báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, 03 báo cáo của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế. Chủ trì triển khai 03 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, 01 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ quốc hội và 01 chuyên đề giám sát của Ủy ban Kinh tế; tổ chức thành công 02 phiên giải trình, thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các cơ quan có liên quan.

Ủy ban đã chủ trì xây dựng 06 dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; chủ trì thẩm tra nhiều nội dung quan trọng như: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 qua đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; hoàn thiện 04 nhiệm vụ nghiên cứu, báo cáo Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII. Ngoài ra, đã dự thảo 45 báo cáo ý kiến gửi Văn phòng Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư...

Tại buổi làm việc, Ủy ban Kinh tế đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Một là, xác định rõ trách nhiệm trong việc không bảo đảm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Quốc hội đã thông qua. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ việc rà soát, phát hiện và xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số nội dung tại buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số nội dung tại buổi làm việc

Hai là, tiếp tục cải tiến cách thức điều hành các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội. Tăng cường chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Xác định rõ cơ chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban với Ban Dân nguyện về công tác giải quyết đơn thư; nâng cấp, mở rộng ứng dụng phần mềm xử lý đơn thư; giữa UBKT và Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong vai trò tham mưu, trình Quốc hội thông qua chủ trương, chính sách lớn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm với kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự toán ngân sách nhà nước.

Ba là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về các phương thức giám sát; chế tài đối với đối tượng chịu sự giám sát khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị giám sát; chuyển trọng tâm vào công tác giám sát hoạt động thi hành pháp luật; quy định cụ thể hơn phương thức giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách để tăng cường vị thế, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm.

Năm là, đề nghị nghiên cứu để có mô hình thống nhất giữa các cơ quan của Quốc hội về việc thành lập các Tiểu ban hay nhóm công tác về thành phần, tính pháp lý, địa vị pháp lý…; bảo đảm số lượng cấp phó ở các Vụ phục vụ các Ủy ban theo hướng số Phó Vụ trưởng bằng số Phó Chủ nhiệm Ủy ban để thuận lợi cho việc tổ chức công việc.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức của Thường trực Ủy ban, trong đó có việc tạo ra cơ chế, chính sách rõ ràng hơn để các Tiểu ban chuyên môn hoạt động

Bảy là, quan tâm hơn nữa việc phân bổ kinh phí hoạt động hằng năm trên cơ sở nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, tránh việc phân bổ bình quân, dàn đều.

Tám là, chỉ đạo Văn phòng Quốc hội trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Chín là, thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo song trùng với Vụ giúp việc cho Thường trực Ủy ban với lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. Xác định số lượng biên chế phù hợp với khối lượng và chất lượng công việc ngày càng tăng. Có chế độ, chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội.

Qua ý kiến thảo luận tại cuộc làm việc và các báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, điểm nổi trội trong hoạt động của Ủy ban nhiệm kỳ này là công tác lập pháp với việc chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua 13 luật (8 luật sửa đổi, bổ sung và 5 luật ban hành mới). Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một dấu son trong hoạt động lập pháp của nhiệm kỳ này, đi vào cuộc sống rất nhanh. Hệ thống luật pháp về đầu tư, kinh doanh ngày càng đổi mới, hoàn thiện hơn như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, Luật Chứng khoán… Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có chất lượng ngày càng cao hơn, sắc sảo và thuyết phục hơn.

Chia sẻ với Thường trực Ủy ban Kinh tế về khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp, nhiều lúc bị động, lực lượng chưa được kiện toàn đầy đủ, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Ủy ban đã đóng góp rất lớn cho thành công của Quốc hội Khóa XIV. Các thành viên Ủy ban đã luôn đoàn kết, sẻ chia với nhau, không chỉ làm tốt công tác “liên kết dọc” giữa Thường trực Ủy ban với từng Tiểu ban hoạt động chuyên sâu theo lĩnh vực mà công tác “liên kết ngang”, phối hợp giữa các Tiểu ban cũng như giữa Ủy ban với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành cũng khá tốt.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Khẳng định quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên…, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, các lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Kinh tế, từ quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng đến các dự án quan trọng quốc gia… đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, Ủy ban và Vụ chuyên môn cần tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu rộng về vị trí, vai trò của mình trong hoạt động của Quốc hội.

Cơ bản nhất trí với 9 đề xuất, kiến nghị của Ủy ban, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế nghiên cứu, xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 8 nhiệm vụ trọng tâm đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được nêu tại Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ. Cùng với đó, cần chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xây dựng các định hướng về chiến lược xây dựng pháp luật trong 5-10 năm tới.

Đề cập đến công tác trọng tâm của Quốc hội là lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một nhiệm vụ trọng điểm và rất khó trong nhiệm kỳ Khóa XV là sửa đổi Luật Đất đai. Do đó, Ủy ban Kinh tế cần vào cuộc sớm, trước mắt là phục vụ tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, đồng thời phác thảo những định hướng lớn cần sửa đổi. Cùng với đó, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm cuộc sống thay đổi hết sức nhanh chóng. Các mô hình kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới ra đời, làm đảo lộn các hoạt động kinh tế truyền thống. Theo Chủ tịch Quốc hội, cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng ý tưởng hơn là cách mạng về công nghệ, có tính chất phá hủy những gì đã có nên cũng đem lại dư địa phát triển cho nước ta. Chúng ta có thể thực hiện cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) để giải phóng năng lực sản xuất. Luật Đầu tư (sửa đổi) đã cho phép thực hiện cơ chế này. Bây giờ, cần xác định vấn đề nào do Chính phủ, vấn đề nào do Quốc hội để triển khai thực hiện. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển. Như vậy, luật pháp cũng phải theo tư duy kiến tạo phát triển. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật. Phải khắc phục tình trạng luật khung, luật ống nhưng cũng cần khắc phục câu chuyện quá câu nệ, “máy móc”, nhiều vấn đề chưa đủ rõ vẫn quy định “cứng” trong luật song lại không giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết khiến “đời sống” của luật bị rút ngắn. Theo Chủ tịch Quốc hội, cả hai hướng này đều phải khắc phục để tận dụng được những lợi thế của một nước đang chuyển đổi.

Các Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham dự buổi làm việc

Các Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham dự buổi làm việc

Về quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung lớn như Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công; Kế hoạch tài chính 5 năm; tỷ lệ điều tiết… trên tinh thần sớm, nhanh chóng, kịp thời. Với những dự án quan trọng quốc gia, Ủy ban Kinh tế cần tham vấn chuyên gia rất kỹ lưỡng.

Đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế về việc chuyển trọng tâm giám sát vào việc thi hành pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tập trung giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật về tiến độ, nội dung có bám sát quy định của luật hay không, qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, chồng chéo để có giải pháp tháo gỡ.

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế chủ trì giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ rà soát sự chồng chéo, trùng lặp, bất cập trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh, từ đó nhận diện những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Pháp luật phải vừa mang tính hệ thống, vừa linh hoạt, phục vụ cuộc sống, kiến tạo phát triển. Đồng thời, phải bảo đảm quy định của luật chỉ được hiểu theo một nghĩa, không có cách hiểu khác nhau. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ủy ban Kinh tế nghiên cứu, đề xuất để có thể tổ chức diễn đàn kinh tế hàng năm, huy động các chuyên gia tham gia đóng góp cho Quốc hội khi xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội./.

Bảo Yến - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=55101