Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phát huy vai trò của xã hội với công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, các biện pháp giáo dục, ngăn ngừa, răn đe chưa thực sự được quan tâm.
Chính vì vậy đã có tình trạng khi báo chí thông tin, những người xung quanh và xã hội mới biết. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, phòng chống bạo lực gia đình phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Giáo dục chính là biện pháp phòng ngừa, xử lý để răn đe, ngăn chặn, để không dám, không thể bạo lực gia đình.
Một số đại biểu còn băn khoăn về các giải pháp và hình thức xử lý đối với hành vi bạo lực gia đình, cho rằng dự thảo cần đi sâu vào vấn đề này. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là nhận thức, tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận diện được thế nào là bạo lực gia đình. Để răn đe, các hành vi vi phạm phải được công khai xử lý.
Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, giáo dục truyền thống, chứ bây giờ gia đình tứ đại đồng đường quây quần mâm cơm có còn nữa đâu. Ngày xưa làm gì có con đánh bố mẹ, giờ con đánh cả bố mẹ thì Bộ Văn hóa ở đâu, giáo dục đạo đức ngay trong học đường cũng là vấn đề.”
Ông PHẠM ĐỨC ẤN, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Ngay cả người trong gia đình chưa chắc đã nhận thức ra, con tôi tôi dạy hay việc con tố cáo cha mẹ có hành vi bạo lực gi đình cũng là khó. Các nước phương Tây chấp nhận dễ dàng còn phương Đông vượt qua rào cản nhận thức đó rất khó, đó là vấn đề giáo dục.”
Góp ý về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải làm rõ hơn nữa các biện pháp “phòng” bạo lực gia đình. “Phòng” bao giờ cũng phải là cơ bản, đi trước. Dự thảo Luật phải “gia cố” nhiều hơn nữa các biện pháp “phòng” và mối quan hệ giữa “phòng” với “chống” để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình. “Không thể” tức là hệ thống pháp luật phải chặt chẽ. Không dám là chế tài phải nghiêm.
Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nhưng dự luật cũng chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, phải phát huy vai trò của xã hội nói chung đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình chứ không phải chỉ là vấn đề xã hội hóa nguồn lực để phòng, chống bạo lực gia đình. Vai trò của xã hội trong phòng chống bạo lực gia đình chưa rõ, rồi còn nhà trường nữa. Phải làm kỹ để nếu thông qua sẽ phải chuyển biến căn bản.”
Ý kiến khác cũng cho rằng, dự thảo Luật đã có quy định về việc báo tin nhưng chưa có cơ chế về bảo vệ bí mật nguồn cung cấp thông tin.
Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Vừa qua báo chí thông tin các vục bạo lực gia đình mà xã hội, xung quanh không biết thì có phải là sự thờ ơ hay không, do đó cần tăng cường giáo dục chung cho xã hội là vấn đề rất quan trọng, kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội mới ngăn chặn bạo lực gia đình.”
Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình, giáo dục là biện pháp để thay đổi hành vi trong phòng chống bạo lực gia đình.
Thực hiện : Khắc Phục Thanh Nga Sỹ Cường Quang Sỹ