Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dự AIPA-44, thăm Indonesia và Iran
Từ ngày 4/8 - 10/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 (AIPA-44), thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) Puan Maharani và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Baqer Qalibaf.
Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) là cơ chế hợp tác giữa các Quốc hội, Nghị viện của ASEAN với vai trò là những nhà lập pháp, góp phần xây dựng nền tảng pháp lý chung cho ngôi nhà ASEAN.
Đại hội đồng AIPA là cuộc họp thường niên của AIPA, được tổ chức luân phiên tại các quốc gia thành viên ASEAN. Năm nay, Indonesia là nước chủ nhà tổ chức cuộc họp này.
Phát biểu tại AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá “AIPA chính là hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN; đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN đối phó với các khó khăn, thách thức bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình thông qua các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực, tăng cường kết nối với người dân”.
Hướng tới mục tiêu về hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, ngày 2/9/1977, Nghị viện 5 nước gồm Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore và Thái Lan đã tuyên bố thành lập Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO) nhằm tăng cường hợp tác nghị viện các nước thành viên ASEAN.
Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên chính thức của AIPO vào ngày 19/9/1995, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ đối ngoại đa phương của Quốc hội Việt Nam.
Năm 2007, nghị viện các nước thành viên đã thống nhất chuyển đổi AIPO thành AIPA với tính chất là một tổ chức liên nghị viện khu vực ASEAN chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đại hội đồng lần thứ 33 tổ chức tại Lombok, Indonesia năm 2012 đã đánh dấu AIPA trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện của các nước ASEAN khi Quốc hội/Nghị viện của 10 quốc gia thành viên ASEAN đều trở thành thành viên chính thức của AIPA.
Sau nhiều thập kỷ phát triển, AIPA đã thực sự trở thành diễn đàn cởi mở và hiệu quả để nghị viện, nghị sỹ các nước trong khu vực bày tỏ quan điểm, trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà các bên cùng quan tâm, tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng và tin cậy, góp phần tạo tiền đề vững chắc cho hợp tác khu vực.
Đối với Indonesia, Việt Nam - Indonesia có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1955 và hiện nay Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Indonesia. Việt Nam và Indonesia cũng đã hoàn tất đàm phán Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Hai nước cũng đã thiết lập các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia và Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Đồng thời, đã ký kết các thỏa thuận hợp tác như Chương trình Hành động giai đoạn 2019 - 2023, triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia và sớm xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2024 - 2028, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn nữa giữa hai nước.
Về tình hình thương mại, năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt gần 14,2 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 4,5 tỷ USD hàng hóa sang Indonesia và nhập khẩu 9,6 tỷ USD, nhập siêu gần 5,1 tỷ USD. Sang 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 6,73 tỷ USD, trong đó, Việt Nam tiếp tục nhập siêu 1,79 tỷ USD.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân chuyến thăm Indonesia và dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 hồi tháng 5/2023, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn trước năm 2028 và theo hướng cân bằng hơn.
Về tình hình đầu tư, tính tới tháng 6/2023, Indonesia đứng thứ 30/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số 113 dự án đăng ký và tổng vốn đạt 646 triệu USD.
Về quan hệ với Iran, năm 2023 là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Iran (4/8/1973 - 4/8/2023). Quan hệ song phương và hợp tác trên các diễn đàn đa phương giữa hai nước ngày càng phát triển.
Hai nước có nhiều cơ hội và nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, hóa dầu, hàng không, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp…
Theo Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngày 25/7, trong quan hệ hai nước, ngoại giao nghị viện có vai trò quan trọng không kém gì các kênh khác cũng như hoan nghênh việc tăng cường trao đổi giữa Quốc hội hai nước nhất là giữa các ủy ban chuyên môn và nhóm nghị sĩ hữu nghị, tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như IPU.