Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm làm việc với tỉnh Bình Thuận
Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Bình Thuận, sáng nay (26/3), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Cùng làm việc có lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.
Năm 2023, tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận-Hội tụ xanh” với 244 sự kiện, hoạt động
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, sau đại dịch Covid-19, năm 2022 và quý 1 năm 2023, kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh, tương đối đồng đều trên cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 7,75%. Thu ngân sách năm 2022 đạt 11.300 tỷ đồng, quý I năm nay ước đạt hơn 2.350 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 44,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2021. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Về du lịch, tỉnh phát triển khá nhanh, ngày càng nâng cao chất lượng, từng bước trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước và là trung tâm du lịch-thể thao biển mang tầm quốc gia. Năm nay, tỉnh đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận-Hội tụ xanh” với 244 sự kiện, hoạt động.
Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ngày càng đi vào thực chất, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cử tri và dư luận quan tâm. Qua giám sát, khảo sát đã chỉ ra những bất cập, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật ở các ngành, các cấp và yêu cầu khắc phục ngay, có ý kiến, kiến nghị những vấn đề khó khăn, vướng mắc với các cơ quan chức năng; đồng thời nắm bắt kịp thời các kiến nghị của cơ quan chức năng để có ý kiến góp ý điều chỉnh, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Kết quả của đổi mới phải có người dân thụ hưởng
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thành công Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận-Hội tụ xanh” vào tối 25/3. Lễ Khai mạc được tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị rất chu đáo, công phu với nhiều tiết mục trình diễn ấn tượng. Tỉnh đã bố trí xe về các huyện đón nhân dân về dự sự kiện, điều đó cho thấy rõ sự quan tâm rất lớn của tỉnh với người dân.
Cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng, ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và những thành tích của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ này, chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới, nhân dịp này Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đánh giá, rà soát lại việc thực hiện các chương trình hành động kế hoạch, đề án, nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 14. Đồng thời gắn với việc kiểm điểm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bây giờ muộn còn hơn không, giữa nhiệm kỳ phải rà lại từ giờ đến cuối khóa có vấn đề gì cần phải bàn, ra quyết sách: "Nếu chỉ nằm trên chủ trương, thì không thể thực hiện được. Hội đồng nhân dân phải vào cuộc rà soát từng việc một để có những nghị quyết gỡ khó về thể chế, hay ra nghị quyết ban hành các cơ chế, chính sách để làm, hay có những quyết sách về mặt chủ trương để làm. Chứ không phải là có mà không dám làm. Quan trọng cứ làm cho công khai, minh bạch, đúng bài thì chúng ta vẫn cứ làm bình thường. Càng trong những lúc như này thì càng phải chặt chẽ, có lớp lang thì mới làm được".
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố tinh thần cho cán bộ, đảng viên. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần thực hiện công khai, minh bạch, trong sáng dựa trên quyết định của tập thể.
Tiếp tục các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là trong HĐND và phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch cho các chức danh của Quốc hội, thực hiện tốt công tác lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng Nhân dân, tăng cường công tác giám sát trên địa bàn.
Về vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề nổi lên nhất trong thời gian gần đây. Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về quy hoạch. Bình Thuận cần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, rà soát và nghiên cứu thật kỹ để bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia. Qua đó khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực.
Cho rằng, động lực tăng trưởng mới, năng lực sản xuất mới của các địa phương hiện nay đang yếu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Bình Thuận: "Phải tính toán lại, nhất là có chiến lược về thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp. Đó là năng lực sản xuất mới và động lực tăng trưởng mới. Với nông nghiệp, chuỗi liên quan đến quả thanh long có bền vững không? Gắn với nông nghiệp là gắn với thủy lợi".
Chủ tịch Quốc hội phân tích, Bình Thuận có hai cánh của con chim, một cánh đập được và một cánh không đập được. Phía Nam tập trung làm thì sẽ có nước: "Đặc biệt khi 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) được thông xe, sân bay Phan Thiết hoàn thành và đưa vào sử dụng, Bình Thuận sẽ biến từ “cái khô, cái khó, cái khổ” thành những cơ hội để phát triển “xanh, sạch, đẹp”. Hay là du lịch, đầu tiên là chiến lược khai thác tài nguyên về du lịch. Thứ hai là môi trường du lịch, bao gồm cả thiết chế mềm và thiết chế cứng, kết cấu hạ tầng du lịch. Cuối cùng là sản phẩm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Tôi rất đồng tình với tỉnh Bình Thuận đã có Nghị quyết chuyên đề về người dân. Kết quả của đổi mới phải có người dân thụ hưởng và kết quả của đối mới sẽ không thể thành công nếu như không có sự tham gia của người dân".
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị sớm điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan và khu vực dự trữ titan để tỉnh có điều kiện phát triển bền vững; sớm cho chủ trương triển khai dự án Hồ chứa nước La Ngà 3 (huyện Tánh Linh), góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trong khu vực 3 tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; tiếp tục đầu tư phát triển huyện đảo Phú Quý; hỗ trợ từ nguồn thu dầu khí khai thác trên vùng biển Bình Thuận để đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá và tạo sinh kế cho ngư dân...
Nhân dịp này, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Dương Văn An kiến nghị, Chính phủ lập tổ công tác do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nhằm tháo gỡ khó khăn về hoạt động bất động sản của tỉnh như định giá đất, thời hạn sử dụng đất, để Bình Thuận tiếp tục triển khai các dự án bất động sản và thu hút mạnh hơn các nhà đầu tư tới Bình Thuận, góp phần phát triển mạnh thương hiệu du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đại diện các bộ, ngành, cơ quan có ý kiến trao đổi, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí, đề nghị các cơ quan của Quốc hội tham mưu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định; đồng thời chuyển tới Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan xem xét, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của từng cơ quan.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh tỉnh Bình Thuận; thăm Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh - nơi cách đây 113 năm, Bác Hồ đã dừng chân dạy học trên đường tìm đường cứu nước. Đây là ngôi trường có chương trình giảng dạy tiến bộ so với các trường tư thục lúc bấy giờ khi dạy chữ quốc ngữ, đưa môn thể dục thể thao vào dạy chính khóa và là trường nội trú đầu tiên của tỉnh Bình Thuận./.