CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: THỐNG NHẤT NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG ĐỂ GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG TỐT HƠN

Sáng 17/11, tại Nhà Quốc hội, phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tiếp nối thành công của năm 2021, 2022, đây là hội nghị lần thứ ba trong nhiệm kỳ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai chương trình giám sát, trong đó có đánh giá kết quả của năm trước và triển khai kế hoạch của năm tới; đồng thời nêu rõ, qua thực tiễn chứng minh cách thức tổ chức hội nghị toàn quốc này có hiệu quả cao, thống nhất nhận thức, thống nhất hành động và nhận thức được rõ những gì cần phải làm để cho kết quả giám sát của Quốc hội ngày càng được tốt hơn.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Ghi nhận các báo cáo, tham luận tại hội nghị đã đánh giá về tình hình triển khai của năm 2023 một cách rất đầy đủ, Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại một số nội dung nổi bật. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nói đến giám sát của Quốc hội là hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả công tác giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Hội nghị năm nay đã nhận thức rất rõ điều này trong phạm vi đánh giá cũng như những kiến nghị, đề xuất và định hướng cho thời gian tới.

Hoàn thiện thể chế cho tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát

Đánh giá khái quát những mặt được của năm 2023, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: Một là, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, khuôn khổ để tiếp tục tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát được quan tâm, theo đúng tinh thần từ đầu nhiệm kỳ đã xác định đây là một nội dung trọng tâm và then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Công tác giám sát liên quan trực tiếp đến cả vấn đề xây dựng về pháp luật và các quyết định quan trọng quốc gia của Quốc hội. Các chức năng của Quốc hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, do đó, làm tốt công tác giám sát cũng sẽ tạo điều kiện để làm tốt chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong năm 2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 96/2025/QH15 để cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có văn bản là hướng dẫn thực hiện các nghị quyết này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị

Tiếp theo kết quả của năm 2022 khi ban hành Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, năm 2023 đã triển khai rất quyết liệt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang tích cực chỉ đạo để có thể ban hành trong năm 2023 Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để có quy định thống nhất nhằm tăng cường các phiên giải trình qua đó tăng năng lực hiệu lực, hiệu quả của công tác này.

Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang phối hợp với Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề tiếp xúc cử tri cho cả là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, các cơ quan đều mong muốn đẩy nhanh tiến độ để sớm có thể ban hành các quy định này để phục vụ trong chính nhiệm kỳ này.

Nhiều đổi mới trong phương thức, hoạt động giám sát mang lại chuyển biến thiết thực

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ kết quả nổi bật thứ hai là hiệu lực, hiệu quả các hình thức, phương thức giám sát của Quốc hội được tăng cường.

Thứ nhất, đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp và tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức đều đặn, cương quyết làm và làm có hiệu quả. Chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, trong năm 2023 đã có 911 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 264 lượt đại biểu chất vấn, 84 lượt đại biểu tranh luận tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5. Tại phiên họp thứ 21 và phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có 103 lượt đại biểu chất vấn và 18 lần đại biểu tranh luận rất sôi động và thực chất.

Việc lựa chọn chủ đề chất vấn cũng như việc tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn ngày ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng từ phiên chất vấn trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 6 vừa qua, chất vấn giữa nhiệm kỳ đối với 21 lĩnh vực, phạm vi rộng nên Quốc hội đã có cải tiến đổi mới, sắp xếp thành 4 nhóm vấn đề, lần đầu tiên có cả Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng và 21 thành viên Chính phủ, bộ ngành tham gia trả lời làm rõ được thực trạng, nêu ra nhiều giải pháp.

Thứ hai là hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mỗi năm có 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được triển khai một cách nghiêm túc. Hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết giám sát chuyên đề cũng được tăng cường. Nếu như trước đây hầu hết là hậu kiểm thì trong nhiệm kỳ này và trong năm 2023 vừa qua, Quốc hội đã chọn những nội dung đang trong quá trình diễn ra, đang trong lúc điều hành. Như trong năm 2022 Quốc hội giám sát về công tác quy hoạch nhờ đó ban hành được Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, qua đó gần như tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc, các tồn đọng mà các bất cập về công tác quy hoạch vào giải quyết cả những khoảng trống pháp lý. Do đó, công tác quy hoạch được đẩy mạnh hơn rất nhiều. Tương tự như vậy trong năm 2023, Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, với mục tiêu đề ra ngay trong quá trình giám sát đã có những chuyển biến rất lớn và cùng với Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai.

Thứ ba là hoạt động tái giám sát (giám sát lại), tức là giám sát những vấn đề sau giám sát, sau chất vấn được quan tâm nhiều hơn. Ngoài việc yêu cầu các tổ chức và các cá nhân thực hiện nghiêm các nghị quyết giám sát chuyên đề thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn gửi báo cáo giám sát đến các cơ quan chức năng của Trung ương để xem xét. Về mặt Đảng thì Đảng đoàn Quốc hội cũng đã chắt lọc những nội dung, nhất là những vấn đề kiến nghị về vấn đề giám sát để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan trong khi khối Nội chính có liên quan. Chỉ rõ điều này, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của giám sát chứ không chỉ dừng lại ở ban hành nghị quyết. Qua giám sát nhưng điểm tốt phải được biểu dương, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đồng thời, những sai phạm phải được xem xét xử lý, những vấn đề có khuyết điểm phải được kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thứ tư là hoạt động lấy phiếu tín nhiệm thu hút được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo cử tri và Nhân dân. Đầu kỳ họp thứ 6 đã tổ chức một cách đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, tiến hành cẩn trọng, chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Kết quả về lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai theo quy định được đại biểu Quốc hội, dư luận, Nhân dân đồng tình và đánh giá cao.

Thứ năm là việc xây dựng các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng nó ngắn gọn, súc tích, sâu sắc, có tính phản biện cao hơn, khoa học hơn, tính Đảng, tính công khai, minh bạch cao, khắc phục dần được tình trạng “3 sôi 2 lạnh”. Có được điều này là nhờ đóng góp trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Thứ sáu là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên. Trong năm vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đôn đốc để mà giám sát đối với hơn 1000 vụ việc phức tạp, kéo dài được các cơ quan hành chính nhà nước các cấp lập danh sách để rà soát; 150 vụ việc cụ thể đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại kỳ báo cáo năm 2022; 104 vụ việc phức tạp đông người được kiến nghị tại Báo cáo Dân nguyện hàng tháng; 5358 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 5 và 1009 kiến nghị khác đã được Chính phủ, bộ ngành tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, công tác này ngày càng đi vào chiều sâu và có những kết quả cụ thể. Đặc biệt lần đầu tiên có báo cáo, trình bày kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp và lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận Báo cáo kết quả giám sát về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Nếu như trước đây công tác dân nguyện báo cáo 1 năm 2 lần thì nay đã trở thành công việc hàng ngày của Ban Dân nguyện và là công việc hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội cũng có những tìm tòi, đổi mới hơn trong công việc này.

Thứ bảy, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực và hiệu quả. Nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như một bộ cẩm nang hướng dẫn cho Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Tại Kỳ họp thứ 5, trên cơ sở Nghị quyết 101/2023/QH15 cả Chính phủ và Quốc hội đã phối hợp để tổng rà soát các văn bản pháp luật và đã có báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần giải đáp được một phần những câu hỏi mà trước đây đặt ra liên quan đến vấn đề thể chế, chính sách từ luật, nghị định, thông tư, các văn bản của các Bộ, các ngành và đến quá trình tổ chức thực thi. Đây là một dữ liệu đầu vào quan trọng để tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Lan tỏa làn sóng tươi mới, khí thế mới và kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương

Kết quả nổi bật thứ ba là công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân tiếp tục được quan tâm, thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân, nhất là với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân các cấp cho thấy hướng dẫn nay đã giúp có được một làn sóng tươi mới và một khí thế mới và kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có hoạt động giám sát.

Kết quả nổi bật thứ tư được Chủ tịch Quốc hội chỉ ra là công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội đã được đa dạng hóa, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động giám sát thường xuyên, qua việc xem xét các báo cáo với giám sát, khảo sát chuyên đề và hoạt động giải trình. Chất lượng báo cáo thẩm tra ngày càng nâng lên. Một số Ủy ban đã tổ chức giám sát chuyên về các lĩnh vực phụ trách, tập trung vào các nội dung quan trọng mang tính cấp thiết và thời sự.

Hoạt động giải trình cũng được quan tâm, đẩy mạnh thu hút được sự tham gia đông đảo của đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện một số cơ quan liên quan. Nội dung được yêu cầu giải trình đều là những vấn đề có liên quan đến những vướng mắc, bất cập vấn đề nóng, những vấn đề bức xúc nổi lên trong xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước có liên quan. Vai trò chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Kết quả nổi bật thứ năm là tiếp tục tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi quyền hạn của mình cũng đã triển khai đầy đủ hoạt động giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đề xuất nhiều vấn đề nóng bức xúc về kinh tế xã hội giúp cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm cơ sở lựa chọn những vấn đề đúng và trúng tại các tại các kỳ họp, phiên họp. Trong phạm vi của từng địa phương, Các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã lựa chọn nhiều nội dung giám sát chuyên đề gắn với tình hình thực tế của địa phương; tăng cường giám sát thông qua hoạt động tiếp công dân, theo dõi, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tích cực phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh thành để thực hiện nhiệm vụ giám sát, bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng chức năng. Có Đoàn đại biểu Quốc hội đã quan tâm tổ chức giám sát lại việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, giám sát.

Kết quả nổi bật thứ sáu là công tác phối hợp. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ nếu chỉ riêng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay các cơ quan của Quốc hội thì sẽ không thể thực hiện được mà đòi hỏi phải có công tác phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ. Phối hợp trên – dưới, dọc – ngang, không chỉ ở Trung ương mà ở cả địa phương trong quá trình tổ chức giám sát đã thực hiện khá tốt.

Cùng với đó công tác phối hợp cũng rất linh động và sáng tạo khi một số cơ quan đóng vai trò hai vai khi vừa là đối tượng giám sát nhưng cũng cung cấp nhiều thông tin, dữ liệu cho Đoàn giám sát như trong giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hay giám sát về các chương trình mục tiêu quốc gia thì các cơ quan như Kiểm toán Nhà nước và vừa là đối tượng giám sát lại vừa có thành viên trong Đoàn giám sát và cung cấp thông tin dữ liệu cho các Đoàn giám sát.

Xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân còn chưa rõ nét

Bên cạnh việc điểm lại 6 kết quả nổi bật trong việc triển khai thực hiện hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội cũng đã lưu ý về một số tồn tại, hạn chế, bất cập.

Theo đó, về công tác giám sát chuyên đề, giải quyết quan hệ giữa “diện” với “điểm”, giữa tính chất toàn diện với trọng tâm, trọng điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Bởi vì vấn đề rất rộng, không thể nào bao quát hết được, nếu cứ đi dàn trải thì đến cuối cùng sẽ không giải quyết được vấn đề gì, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Trong quá trình triển khai các hoạt động cụ thể đôi khi ít để ý đến các mục tiêu và yêu cầu của chuyên đề giám sát. Mỗi Đoàn giám sát có mục tiêu, yêu cầu cụ thể nếu quá sa đà vào vụ việc thì có những trường hợp “bơi” trong rừng số liệu và đến khi viết báo cáo tổng hợp, công tác biên tập báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết vô cùng vất vả.

Nêu thực tiễn của Đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có 100.000 trang tài liệu nếu không có được phương pháp luận tốt sẽ là “bơi” trong một “rừng” số liệu, “ngộp” với số liệu và không thoát ra được. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rút kinh nghiệm để tập trung lực lượng tinh nhuệ và phải có định hướng chỉ đạo hướng đến mục tiêu cuối cùng của giám sát.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại ý kiến của các đại biểu, kết quả giám sát đã góp phần kiến tạo phát triển khá tốt như Nghị quyết 61/2022/QH15 đã gỡ các vấn đề về quy hoạch; tới đây giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia gỡ nhiều về vấn đề về triển khai thực hiện với chủ trương xây dựng một nghị quyết để đôn đốc việc triển khai 3 chương trình này. Giám sát nhưng mà mục tiêu kiến tạo phát triển lại rất nổi bật nhưng việc xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân đáng lẽ phải nổi hơn. Nhiều tình trạng nể nang, né tránh vẫn còn. Cho rằng đây là một “nghịch lý”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng báo cáo kết quả giám sát cần cá thể hóa được trách nhiệm của tổ chức, của cơ quan có liên quan. Bởi đây là cơ sở theo dõi diễn biến nếu có những những chuyển biến tốt hơn thì kịp thời động viên, khen thường, tạo động lực cho các bên thực hiện nhiệm vụ, cũng là nhằm kiến tạo phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện nay hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội chưa có nhiều đổi mới và chưa có những kết quả nổi bật. Chủ tịch Quốc hội cho rằng giám sát linh hoạt hơn, bám sát cuộc sống hơn, gọn nhẹ hơn chính là ở vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đặc biệt chú trọng vấn đề này, tăng cường các hoạt động giải trình bởi giải quyết được từ gốc thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội bớt đi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tốt thì ra Quốc hội sẽ bớt đi chứ không thể cứ dồn lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Chiến lược là phải tăng cường thêm hoạt động ở Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội vì linh hoạt hơn, nhạy bén hơn, sát thực hơn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng với đó chất lượng mà giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực thi đối với lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội tuy có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu. Công tác phối hợp trên dưới, dọc ngang, bên trong bên ngoài cơ bản tốt nhưng còn có những lúc vướng mắc, khó khăn. Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và nhất là của đại biểu Quốc hội chưa nhiều. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại hội nghị này thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề để với mục tiêu sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới./.

Bảo Yến - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=82256