Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn giám sát về công tác quy hoạch làm việc với Thành phố Hà Nội

Sáng 9.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành' với Thành phố Hà Nội. Đây cũng là cuộc làm việc đầu tiên của Đoàn giám sát với các địa phương sau khi đã làm việc với 6 Bộ trong tuần trước, để lắng nghe tiếng nói trực tiếp từ các địa phương về công tác quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với TP Hà Nội về công tác quy hoạch

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với TP Hà Nội về công tác quy hoạch

Ảnh: Lâm Hiển

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó trưởng Đoàn giám sát.

Về phía TP. Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND Thành phố.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc

Ảnh: Lâm Hiển

Phấn đấu cơ bản hoàn thành lập Quy hoạch trước 31.12.2022

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ năm 2018, UBND Thành phố Hà Nội đã có các văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch về kết quả triển khai công tác quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để lập quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021– 2030. Đến năm 2020, UBND Thành phố đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo lập quy hoạch thành phố, thành lập Tổ công tác giúp việc, ban hành Kế hoạch lập Quy hoạch, Quyết định giao cơ quan lập Quy hoạch Thành phố; thành lập Hội đồng thẩm định dự toán; phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển

Quá trình triển khai thực hiện, cơ quan lập Quy hoạch Thành phố (Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã tích cực trong tham mưu UBND Thành phố những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thường xuyên liên hệ, có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc (về điều kiện bố trí vốn, thủ tục thanh toán, lựa chọn tư vấn, tích hợp quy hoạch....). Đến đầu năm 2021, do đồng thời phải triển khai lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26.3.2021) và triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nên Hà Nội đã thống nhất Thành lập Ban Chỉ đạo chung để chỉ đạo triển khai lập Quy hoạch Thành phố và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Ngày 7.3.2022, Thủ tướng đã phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành việc lập Quy hoạch trước ngày 31.12.2022 theo tinh thần Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, về chủ quan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là loại hình mới, quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế. Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan lập quy hoạch Thành phố), các sở, ngành và Thành phố ban đầu còn lúng túng trong triển khai, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu. Từ khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2.12.2019 và số 131/NQ-CP ngày 15.9.2020 về việc bổ sung các quy định tại Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh, Thành phố đã chỉ đạo rà soát, định hướng khắc phục phương án triển khai thực hiện và đôn đốc tiến độ thực hiện.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Ảnh: Lâm Hiển

Ông Chu Ngọc Anh cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến sự chậm trễ trong lập quy hoạch Thủ đô, trong đó, hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm. Cùng với đó, việc triển khai nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch được xác lập từ năm 2019, nhưng đến năm 2021, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng thì phải triển khai song song tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ rà soát và xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại thời điểm này, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cũng đang triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đang được nghiên cứu lập song song theo phương thức phối hợp, tích hợp; nhiều nội dung quy hoạch còn chưa được xác lập, chưa rõ định hướng gây khó khăn trong việc xác lập một số nội dung định hướng trong Quy hoạch Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo với Đoàn giám sát

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo với Đoàn giám sát

Ảnh: Lâm Hiển

Chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá Thành phố Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá nhiều. Nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu; thực hiện điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011 - 2021 để đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định; lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng. Hiện Thành phố cũng đã thẩm định 18 quy hoạch sử dụng đất của 18 huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về đất đai, chờ phê duyệt…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển

Nhiều ý kiến chia sẻ với khó khăn, lúng túng của Thành phố trong công tác quy hoạch bởi Hà Nội là đô thị đặc biệt, “trái tim” của cả nước, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hóa, trình độ phát triển kinh tế cũng rất khác nhau giữa các khu vực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, đi vào từng lĩnh vực, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng công tác quy hoạch của Hà Nội còn khá bộn bề. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ ra nhiều quy hoạch của Thành phố chưa hoàn thành như: Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập;14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang dự thảo… Đặc biệt, việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đang tiến hành nhưng cũng chậm, hiện mới được Thủ tướng chấp nhận chủ trương điều chỉnh và đang trong quá trình soạn thảo, chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. “Với tiến độ như thế, e rằng sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô là rất lớn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị lãnh đạo Thành phố Hà Nội báo cáo, làm rõ thêm các vướng mắc, lúng túng do quy định pháp luật, từ đó có kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội để vừa đẩy nhanh tiến độ vừa bảo đảm chất lượng quy hoạch. Báo cáo của Thành phố cho thấy có sự trùng lặp giữa quy hoạch chung đô thị của thành phố lập theo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch Thủ đô lập theo Luật Quy hoạch; ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của Luật Thủ đô, mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng. Vậy nội dung nào liên quan trực tiếp đến lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch? Đặt câu hỏi này, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Thành phố cần làm rõ và đề xuất giải pháp xử lý, nêu rõ có cần phải sửa hệ thống pháp luật không, nếu sửa thì sửa luật nào, sửa như thế nào?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, Quy hoạch Thủ đô lập khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và hầu hết các quy hoạch ngành Quốc gia chưa được phê duyệt; cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch cũng chưa hoàn thiện; trong khi đó, dự kiến sẽ có 66 nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Vì vậy, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Thành phố làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị giải pháp cụ thể để bảo đảm chất lượng các quy hoạch, vừa có tính kế thừa cái cũ, vừa đồng bộ với các quy hoạch bên trên, bên dưới khi Quy hoạch Thành phố được duyệt. Lưu ý việc giải quyết các vấn đề về phát triển đô thị như: quy hoạch phân khu đô thị trung tâm, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh; quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, việc quy hoạch vùng huyện, liên huyện, trung tâm xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các khó khăn, vướng mắc cụ thể của Thành phố Hà Nội và đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo cụ thể hơn nữa, bổ sung thêm các vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn giám sát đặt ra, những kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai lập quy hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tiếp theo nhằm bảo đảm hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô đúng tiến độ đã đề ra, đồng thời chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-chu-tri-lam-viec-voi-thanh-pho-ha-noi-ve-cong-tac-quy-hoach-hngyrgyubw-80699