Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, chiều tối 21/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp và làm việc với Đoàn Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu.
Tham dự cuộc gặp mặt có Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội. Về phía Bộ Ngoại giao có Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các lãnh đạo Bộ Ngoại giao và lãnh đạo các đơn vị trong bộ cùng 109 Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Trưởng cơ quan đại diện được tiến cử.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính bản lề trong triển khai thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Hội nghị lần này đã đi sâu, tập trung đánh giá thực chất bối cảnh thế giới và khu vực, kết quả công tác đối ngoại từ sau Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 (năm 2021) đến nay; đồng thời làm rõ những cơ hội và thách thức đặt ra đối với đất nước, cũng như đối với ngành ngoại giao; qua đó, xác định yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại thời gian tới.
Tại cuộc gặp mặt, các đại sứ Việt Nam tại một số địa bàn đã báo cáo Chủ tịch Quốc hội về tình hình công tác của cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại, quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới các quốc gia thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước, làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác truyền thống, tạo tiền đề, mở ra những lĩnh vực hợp tác mới.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng chào đón các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định công tác đối ngoại thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, trở thành một điểm sáng nổi bật trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội Nghị Ngoại giao lần thứ 32, các hoạt động đối ngoại “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua”.
Đặc biệt trong tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng công tác đối ngoại đã đạt nhiều thành tựu cả về song phương, đa phương, khôn khéo trong cân bằng chiến lược, giữ vững vững môi trường hòa bình cho phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những kết quả tích cực của công tác đối ngoại đi cùng với nâng tầm quan hệ đối ngoại đi cùng với nâng tầm quan hê đối ngoại nghị viện với các nước.
Hòa chung trong thành tựu đối ngoại cả nước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua không chỉ diễn ra sôi động mà còn được nâng lên về chất, phát huy mạnh mẽ nét đặc trưng - vừa mang tính đối ngoại Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nhất là của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội, đã đưa ngoại giao nghị viện trở thành một kênh chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu và là nguồn sức mạnh thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia, nhất là về chính trị - ngoại giao, kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ…, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để kiểm soát đại dịch Covid-19, mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư…
Nhấn mạnh một số nội dung lớn về tổng thể công tác đối ngoại của đất nước và sự gắn kết của công tác đối ngoại nghị viện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, các cán bộ đối ngoại, phải nắm vững Nghị quyết Đại hội XIII về "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại." Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải tiếp tục gìn giữ và củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước hướng tới các mục tiêu 2030 và 2045.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để làm tốt nhiệm vụ đó, ngành ngoại giao cần phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy đối ngoại, trong phương cách triển khai, với tư duy mới, cách làm mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, tư duy mới là cách tiếp cận toàn cầu, đa phương và liên ngành, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Cần tiếp tục phát huy trường phái đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đó là: kiên định về lập trường, nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, song linh hoạt, sáng tạo và mềm dẻo trong sách lược, cách thức triển khai, luôn cân bằng, hài hòa trong quan hệ với các đối tác, nhất là các cường quốc; bảo đảm lợi ích quốc gia phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Cách làm mới là phải chủ động hướng đi mới vào các lĩnh vực tiềm năng mới và đối tác mới để củng cố, phát triển mạng lưới quan hệ với các đối tác ngày càng bền vững, thực chất.
"Với tư duy mới và phương cách mới, chúng ta có thể chuyển hóa các thách thức thành cơ hội và lợi thế để nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của đất nước” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao cần tiếp tục thúc đẩy xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chủ tịch Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, dành ưu tiên cao nhất cho ngành ngoại giao khi xem xét, quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền, phấn đấu làm sao cho “diện mạo” đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện, xứng với “tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế” chưa từng có của đất nước, như nhận định của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia về công tác đối ngoại, chủ động phê chuẩn việc gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm đúng đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh và hiệu quả hơn của đất nước. Trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, các đoàn kênh Đảng, kênh Quốc hội với nhiều đối tác diễn ra với tần suất cao nhằm tìm hiểu kinh nghiệm về công tác giám sát của Quốc hội, xây dựng pháp luật.
Việt Nam đã chủ động đăng cai tổ chức nhiều sự kiện đa phương lớn, trong đó có Hội nghị AIPA Caucus lần thứ 14, các hoạt động nhân kỷ niệm 45 năm thành lập AIPA, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9, cũng như các khuôn khổ khác như APPF, IPU, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, tích cực đề xuất nhiều sáng kiến về thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và nguồn nước. Việc triển khai đồng bộ, sôi động và hiệu quả công tác đối ngoại trên các kênh, trong đó các hoạt động đối ngoại Quốc hội đã có đóng góp toàn diện, hiệu quả vào công tác đối ngoại Đảng, Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả thực chất, thông qua qua các hoạt động đối ngoại sôi động trên cả kênh song phương và đa phương, ghi dấu ấn và được dư luận quốc tế đánh giá cao.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện, đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong suốt thời gian qua, đóng góp rất tích cực vào thành tích công tác đối ngoại của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, bên cạnh tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần thứ 32, các Đại sứ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin và các kiến nghị cụ thể nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng, Nhà nước giao phó, phục vụ công tác hội nhập quốc tế, kết nối các địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước một cách tốt nhất.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao, đặc biệt các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đã nhận được nhiều ý kiến chỉ đạo quý báu, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đặc biệt là với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nhờ đó, thời gian qua, ngành ngoại giao đã đạt được những kết quả tốt đẹp, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.