Chủ tịch Sao Ta: 'Tỷ lệ nội địa hóa thủy sản Việt Nam gần như tuyệt đối'

Theo ý kiến từ doanh nghiệp trong ngành tỷ lệ nội địa hóa thủy sản Việt Nam gần như tuyệt đối. Các doanh nghiệp chế biến có chuỗi cung ứng khép kín từ nuôi trồng đến chế biến phục vụ cho xuất khẩu là hoàn toàn trong nước.

10h25 sáng 2/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social thông báo rằng ông đã được thỏa thuận thương mại với Việt Nam. “Tôi vừa đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Các chi tiết sẽ được cung cấp sau!”, ông Trump viết.

Một trong những vấn đề được Mỹ quan tâm trong quá trình đàm phán là quy tắc xuất xứ hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm được xuất sang Mỹ.

Với ngành thủy sản, một trong những mặt hàng có tỷ trọng xuất sang Mỹ lớn, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành cho biết thủy sản Việt Nam hoàn toàn tự tin về việc đảm bảo nguồn gốc nội địa.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 tăng gần 19%, trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 891 triệu USD, tăng 16% nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước mốc 9/7 – thời điểm Mỹ áp dụng thuế đối ứng mới.

Tôm và cá tra là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản (khoảng 60%).

Nguồn: Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Quốc Lực Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), nguyên Chủ tịch VASEP, cho biết tỷ lệ nội địa hóa thủy sản Việt Nam gần như tuyệt đối.

Các doanh nghiệp chế biến có chuỗi cung ứng khép kín từ nuôi trồng đến chế biến phục vụ cho xuất khẩu là hoàn toàn trong nước. Chỉ có một phần trong chuỗi cung ứng này phải nhập khẩu từ nước ngoài là một số nguyên liệu để sản xuất thức ăn nuôi thủy sản và một lượng nhất định con giống tôm.

Ông nói thêm hiện chưa rõ mức thuế cụ thể với thủy sản nói chung và mặt hàng tôm nói riêng là bao nhiêu nên chưa thể đánh giá giá được tác động.

"Hiện chưa rõ cách thức Mỹ xác định hàng xuất xứ từ Việt Nam thế nào vì liên quan đến nhiều cấu phần để tạo ra một sản phẩm. Nhưng riêng con tôm tỷ lệ nội địa cực kỳ cao. Quá trình nuôi tôm đến chế biến đều từ Việt Nam. Chỉ có một phần nguyên liệu thức ăn và lượng nhỏ con giống nhập khẩu", ông Lực cho biết.

Cá tra Việt Nam dễ chứng minh xuất xứ nhờ chuỗi liên kết khép kín

Tương tự cá tra Việt Nam cũng dễ dàng chứng minh xuất xứ khi là quốc gia đứng đầu thế giới về mặt hàng này.

Theo VASEP, Việt Nam hiện cung ứng hơn 90% cá tra phile đông lạnh cho toàn thế giới. Trong khi đó, sản lượng của các nước khác như Ấn Độ (khoảng 300.000 – 400.000 tấn/năm), Bangladesh hay Ai Cập chủ yếu phục vụ thị trường nội địa hoặc xuất thô sang các thị trường dễ tính.

Đồng bằng sông Cửu Long là “vựa cá tra” lớn nhất toàn cầu với diện tích nuôi chuyên canh hàng chục nghìn ha, tập trung tại các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… Nơi đây có hệ thống thủy văn phong phú, nguồn nước ổn định và khí hậu thuận lợi quanh năm – điều kiện mà nhiều quốc gia nuôi cá tra khác không thể có được.

Một trong những lý do then chốt khiến cá tra Việt Nam có chỗ đứng vững có lẽ là chuỗi giá trị khép kín – từ sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến đến phân phối và truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, Nam Việt, IDI, Biển Đông Seafoods,... đều đã đầu tư hệ sinh thái toàn diện, giúp giảm chi phí, kiểm soát chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm.

Chính mô hình liên kết chuỗi đã giúp Việt Nam giữ ổn định nguồn cung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng đồng đều các yêu cầu về size cá, màu thịt, kết cấu phile – điều mà các nước khác như Bangladesh hay Indonesia vẫn đang gặp khó khăn.

Trao đổi bên lề ĐHĐCĐ diễn ra hồi tháng 5, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam cho biết doanh nghiệp hoàn toàn tự tin về xuất xứ vì cá tra hoàn toàn nuôi ở Việt Nam.

Bà cũng nói thêm trong kịch bản thuế áp với cá tra Việt Nam 20% là điều quá tốt. Ngay cả khi mức thuế lên tới 46% thì cũng phải điều quá tiêu cực.

“Cá tra của Việt Nam rất rẻ. Nếu cộng thêm thuế 46% thì giá cũng cũng chỉ khoảng 50 - 60 cent/pound. Mức giá này thậm chí thấp hơn cả năm 2018. Thậm chí mức giá sau áp thuế rẻ hơn so với nhiều loại cá thịt trắng phổ thông khác tại Mỹ như cá minh thái, cá tuyết. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng thuế thấp hơn một chút để các khách hàng tăng giá một cách từ từ”, bà Tâm cho biết.

VASEP cho rằng triển vọng nửa cuối năm phụ thuộc nhiều vào thuế quan từ Mỹ sau ngày 9/7.

Với kịch bản tích cực, nếu thuế đối ứng được áp ở mức 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2025 có thể đạt khoảng 9,5 tỷ USD, thấp hơn 500 triệu USD so với dự báo trước đó. Trong tình huống này, các thị trường như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU được kỳ vọng sẽ hấp thụ một phần hàng hóa điều tiết từ thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, VASEP cho biết, nếu mức thuế vượt 10% và có thể lên tới 46% – theo các đánh giá sơ bộ – kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể tụt sâu xuống chỉ còn khoảng 9 tỷ USD hoặc thấp hơn.

H.Mĩ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chu-tich-sao-ta-ty-le-noi-dia-hoa-thuy-san-viet-nam-gan-nhu-tuyet-doi.html