Chủ tịch SBS: Thanh lọc là tất yếu, VN-Index có thể lên mốc 1.400 điểm
Trong quá trình đi lên, việc thị trường chứng khoán (TTCK) có sự thanh lọc là quy luật tất yếu. Các cơ quan quản lý đang nỗ lực để xây dựng thị trường minh bạch, phát triển bền vững và đang bắt đầu cho kết quả tích cực.
Đó là nhận định của luật sư Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SBS tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”, sáng 19/7.
Thị trường chứng khoán là "chợ"
Theo ông Huỳnh, từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bức tranh thị trường bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen, trong đó mảng tối dường như chiếm ưu thế.
Trong bối cảnh như vậy, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn rất hạn chế. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, con số chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Huỳnh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp (chủ quan) và thị trường (khách quan); còn Bộ Tài chính, UBCKNN, các cơ quan quản lý đều đang tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng đến lợi ích chung là phát triển thị trường.
Về mặt chủ quan, ông Huỳnh đánh giá, các doanh nghiệp đang phải đối phó với những khó khăn, chật vật lo tài chính nên chưa có tiềm lực để lên sàn. “Năm nay tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mới đang dần khởi sắc, chứ thực sự năm 2021-2022 rất khó khăn”, ông Huỳnh nói.
Bên cạnh mong muốn của doanh nghiệp, các điều kiện lên sàn cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng doanh nghiệp phải tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm.
Về mặt khách quan từ thị trường, ông Huỳnh cho biết, trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Thị trường chứng khoán không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Ngoài ra, thị trường cũng tuân theo quy luật, đó là sự thanh lọc.
Bất cứ TTCK nào trên thế giới cũng phải có sự thanh lọc, kể cả Phố Wall có lịch sử hàng trăm năm cũng không tránh khỏi những sự việc hy hữu. Thị trường Việt Nam mới trải qua hơn 20 năm, phải bắt đầu từ những bước đi chập chững trước khi hoàn thiện bản thân, tìm đến sự bứt phá dài hơi... Bản thân tôi là một người theo dõi và tham gia thị trường chứng khoán từ khi chưa vận hành. Tôi quan niệm thị trường chứng khoán là "chợ", có người mua và có người bán, và cũng có người tử tế có người không.
Luật sư Phan Quốc Huỳnh
Tái cấu trúc thị trường đang bắt đầu cho kết quả tốt đẹp
Tại tọa đàm do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức, Chủ tịch SBS Phan Quốc Huỳnh cũng cho rằng, thời gian qua, việc xử lý các vụ việc sai phạm cho thấy quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành trong thúc đẩy sự minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán, với mục tiêu phát triển thành kênh huy động vốn hiệu quả, là nơi để doanh nghiệp gọi vốn và phát triển lâu dài, bền vững. “Các sự kiện thanh lọc có thể sẽ tiếp diễn, và chúng ta sẵn sàng chấp nhận quá trình đó để thị trường tốt hơn”, ông Huỳnh nói.
Theo ông Huỳnh, thời gian qua thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm, do hệ quả sau thời kỳ dịch bệnh, suy thoái thẩm thấu vào nền kinh tế. Là nền kinh tế hội nhập rất sâu rộng nên khi các quốc gia lớn như Anh, Mỹ... xảy ra tình trạng lạm phát cao thì Việt Nam không thể đứng ngoài vòng xoáy.
Tuy nhiên, việc quản lý tốt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã giúp kiểm soát lạm phát, giữ tỷ giá hối đoái cân bằng. Chính phủ cũng thực hiện các biện pháp miễn giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế VAT; thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. “Đây là những giải pháp rất thiết thực, bởi doanh nghiệp - đơn vị cung cấp hàng hóa ra "chợ" mà gặp khó khăn thì thị trường chứng khoán làm sao có thể phát triển?”, ông Huỳnh nêu quan điểm.
Với chứng khoán nói riêng, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung các quy định, theo hướng ngày một chặt chẽ hơn để phát triển thị trường minh bạch. Sáng nay (19/7), sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chính thức được vận hành, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho người phát hành và nhà đầu tư được hoạt động minh bạch.
Chủ tịch SBS cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan ban ngành trong việc tái cấu trúc thị trường đang bắt đầu cho kết quả tốt đẹp. Chỉ số đã hồi phục đáng kể, thanh khoản trở lại những phiên 19.000 – 20.000 tỷ đồng, phản ánh niềm tin của giới đầu tư đang quay trở lại.
VN-Index từ vùng thấp dưới 900 điểm nay đã vượt qua ngưỡng 1.100 điểm và đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần. Nếu chính sách tiền tệ, tài khóa đi đúng hướng, thị trường có thể cho kết quả tốt đẹp hơn, lên mốc 1.300 – 1.400 điểm vào cuối năm như nhiều người kỳ vọng.