Chủ tịch Tân Hoàng Minh: Khởi nghiệp taxi, thành danh với bất động sản và vướng vòng lao lý
Từ một cán bộ khoa học, ông Dũng bước ra thương trường với thương hiệu Taxi V20, sau đó không ngừng mở rộng các lĩnh vực kinh doanh và được biết đến nhiều nhất ở mảng bất động sản. Tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực mà ông vướng nhiều lùm xùm nhất.
Ông Đỗ Anh Dũng sinh năm 1961, là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ năm 1993 đến nay. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt từ năm 2015 đến nay.
Ông Dũng từng công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, trụ sở Hà Nội, Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tại TP HCM, giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Liên hiệp xuất khẩu điện tử quang học ELOPI (thuộc Viện Khoa học Việt Nam phân viện TP HCM).
Năm 1993, ông thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (tiền thân của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) tại TP HCM, với loại hình kinh doanh ban đầu là vận tải hành khách công cộng bằng thương hiệu Taxi V20. Năm 2001, hãng từng có gần 1.000 xe, chiếm 25% thị phần trên 3 thành phố HCM, Nha Trang, Hà Nội.
Đến năm 1998, Tân Hoàng Minh lấn sân sang lĩnh vực mới bằng việc lập nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ với thương hiệu RATEX. Những sản phẩm mây tre đan này được xuất khẩu sang các nước châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý… và từng mang lại nguồn lợi nhuận từ 35 triệu USD mỗi năm cho Tân Hoàng Minh.
Tân Hoàng Minh bắt đầu nhắm đến thị trường bất động sản từ năm 2006, hướng đến hạng mục cao cấp. Một số dự án lớn của Tập đoàn này tại Hà Nội có thể kể đến như: D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil – Quảng An, D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. El Dorado – Phú Thanh, Phú Thượng, D’. Capitale – Trần Duy Hưng...
Tân Hoàng Minh được biết đến với các dự án bất động sản cao cấp.
Cuối năm 2021, giới địa ốc choáng váng trước mức giá 24.500 tỷ đồng (tính ra 2,45 tỷ đồng/m2) mà Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) chấp nhận bỏ ra để đấu giá sở hữu lô đất vàng tại Thủ Thiêm. Đây là mức giá kỷ lục cho một mét vuông đất tại Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên không lâu sau (đầu tháng 1/2022), Tân Hoàng Minh đã bỏ cọc, với 'tâm thư' của Chủ tịch Đỗ Anh Dũng gửi các lãnh đạo cấp cao giải thích về lý do vì sao đấu giá cao cũng như vì sao bỏ cọc. Ông Dũng lý giải lý do bỏ cọc là do “nhận thấy rằng việc trúng đấu giá như vậy dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung”.
Trong 'tâm thư', ông Dũng cũng cho biết chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công. Theo đó, Tân Hoàng Minh sẽ bị mất cọc khoản tiền đặt trước - tương đương 20% so với giá khởi điểm (gần 588,5 tỷ đồng).
Không lâu sau đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông báo vào cuộc xác minh 11 dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh, gồm: D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu; D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D’ San Raffles Hàng Bài; D'. Le Roi Soleil Quảng An; D’.El Dorado Phú Thượng; D’.Dorado Phú Thanh; D’Capitalle Trần Duy Hưng; Summit Building Trần Duy Hưng; D’. Jardin Royal-Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt; Tân Hoàng Minh Lò Đúc; Tân Hoàng Minh Hoàng Mai.
Ngày 5/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, thông tin trên các phương tiện truyền thông loan báo, cơ quan chức năng cũng đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).