Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long: 'Cổ phiếu Hòa Phát mua đường dài không thể lỗ được'
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2022 được tổ chức sáng nay (24/5) tại Hà Nội, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết, năm nay tập đoàn này đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 160.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong khoảng từ 25.000 – 30.000 tỷ đồng, giảm so với năm trước.
Mặc dù có nhiều ý kiến cổ đông đề xuất chia cổ tức 30% bằng tiền mặt (tương đương 9000 tỷ đồng) trong năm nay, tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ sáng nay, lãnh đạo Hòa Phát cho hay, tập đoàn này đã lên phương án chi trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 35% trong đó 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu - thời gian thực hiện trong quý II – quý III năm 2022. Cũng trong năm nay, Hòa Phát dự kiến vốn điều lệ vào cuối năm 2022 đạt 58.148 tỷ đồng, dự kiến cổ tức 25%.
Nhiều cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát đề nghị lãnh đạo Tập đoàn này dành nhiều nguồn lực tài chính đầu tư cho bất động sản. Ảnh: M.Q.
Tại ĐHĐCĐ sáng nay (24/5) của Tập đoàn Hòa Phát, nhiều cổ đông tổ chức và cá nhân khi đặt câu hỏi đều mong muốn lãnh đạo Tập đoàn này dành nhiều nguồn lực tài chính đầu tư cho bất động sản. "Quỹ tiền mặt của tập đoàn có trên 40.000 tỷ đồng, nếu đầu tư nhiều hơn sang lĩnh vực bất động sản sẽ rất thuận lợi vì nhiều tập đoàn khác họ còn thiếu vốn, phải huy động bằng phát hành trái phiếu".
Trả lời các ý kiến này, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nói: "Rất nhiều người chê Hòa Phát về việc sử dụng tiền, tôi muốn nói là số tiền mặt 46.000 tỷ chúng tôi không thể phiêu lưu được, rất nhiều tổ chức tín dụng góp ý tại sao anh để tiền phí thế, 1 năm kiếm được thêm 400-500 tỷ, nhưng vận mệnh để phát triển Dung Quất 2 là quan trọng".
"46.000 tỷ đó với quy mô doanh thu tập đoàn thì phải yêu cầu 20.000 tỷ "tiền lỏng" đẻ đảm bảo khả năng thanh toán, giám đốc tài chính còn yêu cầu 30.000 tỷ. Tôi cũng muốn chia nhiều lắm, tôi là cổ đông lớn nhất thì tôi cũng muốn chia nhiều tiền chứ. 40.000 tỷ không nhiều vì phải yêu cầu 25.000 tỷ để đảm bảo thanh toán", ông Long nói.
Nói rõ hơn về mục tiêu Hòa Phát vào top 3 công ty bất động sản lớn nhất thị trường mà năm ngoái Tập đoàn này đã tích cực triển khai, ông Long phát biểu: "Tôi tin rằng năm ngoái do thị trường phát hành trái phiếu quá dễ dàng nên giá BĐS ở mức quá cao, suốt thời điểm vừa rồi chúng ta chưa mua một dự án BĐS nào. Chúng ta có uy tín, có tiền, nên chúng tôi đi các địa phương xin được tham gia đấu thầu chương trình phát triển kinh tế địa phương, sang năm sẽ có tin đầu tiên, triển vọng tốt đẹp, giá vốn sẽ không cao".
Trả lời ý kiến của một nhà đầu tư về phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là "giấy lộn", ông Trần Đình Long tỏ ý không vui: "Sáng nay tôi đến đây tâm trạng rất buồn, Ban PR đã gửi tôi các comment (ý kiến) của nhà đầu tư trên F319 đòi hỏi phải chia hết lợi nhuận, rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là "giấy lộn"… Tôi nghĩ rằng tôi cám ơn sự góp ý của các cổ đông ở đây ngày hôm nay mang tính chất xây dựng, còn nếu góp ý như F319 thì khó cho tôi quá".
Theo ông Long, hiện Hòa Phát đã có 161.000 cổ đông, lớn nhất trên TTCK Việt Nam, thành viên HĐQT và Ban điều hành, hơn 30.000 nhân viên là minh chứng rất rõ ràng về uy tín của Tập đoàn này.
"Trong nhiều lần họp HĐQT tôi đã từng phát biểu, nếu dừng lại thì chúng ta sẽ chết, đối thủ cạnh tranh sẽ vượt qua. Ý nghĩa của từ "không dừng lại" còn được hiểu là ngoài những gì chúng ta đã có, chúng ta sẽ vươn tầm khu vực, sẽ làm dự án Dung Quất 2 đạt 14,5 triệu tấn thép. Hiện nay Ban nghiên cứu phát triển tập đoàn đang nghiên cứu các dự án thép nữa, Đắk Nông là một trong những dự án chúng tôi nghiên cứu, Hòa Phát sẽ không dừng lại", ông Long nói.
"Để vươn lên một tầm mới thì chúng ta cần rất nhiều vốn. Không thể nói như F319 cho rằng Hòa Phát tiếp tục phát hành giấy lộn, với quy mô này chúng ta phải có vốn.
Mỗi ngày Hòa Phát mang về doanh thu 500 tỷ, quy mô Hòa Phát hôm nay bằng cả nghìn công ty bình thường cộng lại, điều kiện cần là phải có vốn. Dự án thép Dung Quất, vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vay ngân hàng 35.000 tỷ là giỏi lắm rồi. Lần đầu tiên trong lịch sử ngân hàng Việt Nam cho một doanh nghiệp vay 35.000 tỷ đồng", ông Long nói.
Cũng theo ông Trần Đình Long, "Hòa Phát chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người hãy đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và quý IV, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy KQKD thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi. Tất nhiên trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào Hòa Phát sẽ cố gắng làm tốt nhất".
Theo ông Long, ngành thép đang xấu vì 2 nguyên nhân: Chiến tranh Nga Ukraina là nguyên liệu tăng sốc. Chính sách Zero Covid cũng tác động mạnh đến thị trường thép khi Trung Quốc chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép thế giới nên ảnh hưởng đến cầu.
"Xuất khẩu chiếm 30% sản lượng nhưng mục tiêu của Hòa Phát phải dựa vào thị trường nội địa là chính, chúng tôi muốn 10-15% thôi vì thị trường xuất khẩu không ổn định, nó phụ thuộc nhiều vào chế độ chính sách. Vừa rồi chúng ta xuất khẩu sang Mỹ nhưng lại có đơn kiện chống bán phá giá", ông Long cho hay.
"Cổ phiếu Hòa Phát mua đường dài không thể lỗ được. Khi tôi đang đi công tác ở Úc, anh Hải Vafi đề nghị anh Long mua cổ phiếu quỹ, nguồn lực không vô hạn, nhưng cổ phiếu mang tên tôi từ những ngày đầu tiên tôi không bán, muốn tôi tiếp tục mua cổ phiếu thì nếu lúc nó lên thì phải cho tôi bán", ông Long nói thêm.