Chủ tịch TP.HCM: An sinh xã hội chưa tròn với bà con

'Dịch bệnh nhanh, khó lường, chúng ta chưa chuẩn bị kịch bản an sinh xã hội nên bị động, lúng túng', Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận.

Chiều 8/12, HĐND TP.HCM tiếp tục kỳ họp thứ 4 với phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Đây là lần đầu tiên ông Phan Văn Mãi trả lời chất vấn kể từ khi nhậm chức hôm 24/8.

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ tăng trưởng kinh tế -6,78% là chưa từng xảy ra trong 35 năm qua; tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó cũng có một số điểm sáng như tổng thu ngân sách đạt 101,3% so với dự toán, tín dụng ngân hàng tăng trưởng ổn định...

Chủ tịch TP.HCM nhìn nhận việc đưa tốc độ tăng trưởng từ -6,78% lên 6-6,5% trong một năm là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế và doanh nghiệp hiện hữu cùng truyền thống năng động, sáng tạo, ông Mãi cho rằng nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ hiệu quả thì kinh tế hoàn toàn có thể tăng trưởng theo hình chữ V.

Tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số

Đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt 2 câu hỏi với Chủ tịch UBND TP.HCM. Thứ nhất, để thích ứng với tình hình mới, việc tổ chức y tế cơ sở bằng hình thức trạm y tế lưu động do phó chủ tịch UBND phường làm trưởng trạm, vậy sự thống nhất trong việc sắp xếp trưởng trạm y tế thế nào.

Văn bản địa phương gửi lên chờ rất lâu mới được trả lời.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu

Về cải cách hành chính, liên thông giữa các sở, ngành địa phương, đặc biệt là văn bản do địa phương gửi đến, giải quyết yêu cầu, kiến nghị của người dân còn nhiều vấn đề, trong đó văn bản địa phương gửi lên chờ rất lâu mới được trả lời.

Về vấn đề y tế cơ sở, ông Phan Văn Mãi cho biết trọng tâm là quan tâm, củng cố y tế cơ sở. UBND TP.HCM đã làm việc với Bộ trưởng Y tế và thống nhất triển khai đề án thí điểm, xây dựng tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số.

“Như vậy, TP sẽ giải quyết được vấn đề nhiều người quan tâm, đó là nhân sự của các trạm y tế chưa đáp ứng được quy mô dân số trong điều kiện dịch bệnh bùng phát”, ông Mãi nói.

 Đại biểu Tô Thị Bích Châu. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu. Ảnh: Phạm Ngôn.

Chủ tịch cho biết TP đã chủ động chuẩn bị khi thấy bất cập, nhưng với chủ trương của Bộ trưởng Y tế thì có thể đẩy nhanh việc xây dựng đề án này. Bên cạnh trạm y tế cơ hữu, trước mắt, TP xây dựng trạm y tế lưu động để huy động lực lượng từ bên ngoài như quân y, y tế tư nhân để chung sức trong vận hành trạm y tế lưu động.

Năm 2021, TP thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Hầu như mọi nguồn lực ưu tiên cho phòng chống dịch, lo cho sức khỏe, sinh mạng của người dân. Hầu hết hoạt động kinh tế phải tạm dừng. Do đó, việc thực hiện các chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu quan trọng không đạt được.

Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu

Về cải cách hành chính, ông Phan Văn Mãi cho biết đây là nội dung quan trọng và là vấn đề của TP với tư cách trung tâm kinh tế năng động. Nếu tháo gỡ được cải cách hành chính thì sẽ phát triển được TP, đặc biệt liên quan mật thiết đến chủ đề năm 2022.

Tháo gỡ được cải cách hành chính thì TP sẽ phát triển.

Ông Phan Văn Mãi

"Thời gian qua, TP có kế hoạch cải cách hành chính rất cụ thể về trách nhiệm, cơ chế phối hợp nhưng quá trình thực hiện chưa đạt như yêu cầu, vấn đề là tiếp tục giữ nguyên kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện, có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thưởng phạt. TP tiếp thu để thời gian tới tổ chức thực hiện tốt hơn", ông Mãi nhìn nhận.

Trong năm 2021, khi thực hiện chủ đề xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, TP đã hình thành các tổ công tác để thực hiện các công việc và nhận thấy hiệu quả. Thời gian tới, TP phát huy mô hình này.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn chiều 8/12. Ảnh: Phạm Ngôn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn chiều 8/12. Ảnh: Phạm Ngôn.

TP cũng thấy cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xây dựng dữ liệu, hồ sơ để theo dõi, không bị bỏ sót, bỏ lọt các vụ việc lâu ngày nhằm kịp thời theo dõi, nhắc nhở, đánh giá kết quả của từng cơ quan, cá nhân trong việc theo và xử lý các vụ việc, hồ sơ.

Giải quyết nguồn lao động

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đặt câu hỏi về hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Bà mong với vai trò người đứng đầu, Chủ tịch UBND TP.HCM có giải pháp rõ hơn trong đồng hành với doanh nghiệp.

Đại biểu cũng nhận định khi dịch bùng phát, các lực lượng đã làm hết lòng, hết mình, nhưng có vấn đề "chưa tròn" như mong muốn. Qua đó, TP rút ra bài học kinh nghiệm gì? Và bà Tú đề nghị ông Mãi nêu giải pháp thực hiện các dự án quan trọng, kéo dài.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông Phan Văn Mãi nhận định hiện nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng điều doanh nghiệp (DN) cần nhất ở chính quyền hiện nay là sự thấu hiểu, kịp thời tháo gỡ khó khăn trước mắt. TP sẽ nỗ lực thực hiện nội dung này thời gian tới.

Trong các khó khăn của doanh nghiệp, ông Mãi nhận định nhiều khó khăn liên quan đến lao động. UBND TP.HCM đã làm việc với các hiệp hội và các tỉnh, thành nơi có đông người lao động rời TP trở về quê khi giãn cách. Qua đó, TP tổ chức tiêm vaccine, hỗ trợ chỗ ở, các trung tâm tư vấn, hỗ trợ việc làm rất tích cực cho người lao động.

“Việc kết nối cung cầu lao động diễn ra ở nhiều cấp độ. TP đã giải quyết vấn đề này khá tốt thời gian qua. Nhưng chúng tôi cũng thấy chưa phải giải quyết hết tất cả, thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ cùng các ngành chức năng giải quyết tốt vấn đề này”, ông Mãi nói.

An sinh xã hội “chưa tròn”

Về an sinh xã hội, ông Phan Văn Mãi nhận định đây là vấn đề lớn, TP đã làm nhiều nhưng đến nay “vẫn chưa tròn với bà con TP.HCM”.

Từ lần đầu, khi thực hiện giãn cách, đời sống bà con rất khó khăn, TP có chính sách hỗ trợ bà con gặp khó khăn từ rất sớm. Nhưng khi bàn xong chính sách và cấp phát thì số lượng người khó khăn ngày càng tăng.

TP đã làm nhiều nhưng đến nay vẫn chưa tròn với bà con.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Khi dịch ở giai đoạn cao điểm, lượng người gặp khó khăn rất nhiều, lúc này, TP bị động, lúng túng trong xác định đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ... Việc này gây nhiều khó khăn cho cơ sở trong tổ chức thực hiện. Đến nay, ông Mãi chia sẻ vẫn còn bà con còn thắc mắc về việc có người chưa được lập danh sách, cách hỗ trợ với hình thức khác nhau…

“Dịch bệnh nhanh, khó lường, chúng ta chưa chuẩn bị kịch bản an sinh xã hội nên bị động, lúng túng. Do đó, quá trình thực hiện còn hạn chế”, Chủ tịch TP.HCM thừa nhận.

Thời gian tới, TP bố trí đủ ngân sách để thực hiện các gói đã ban hành. Các ngành chức năng TP và quận, huyện sẽ tiếp tục rà soát để cấp phát cho người dân nhằm đảm bảo trường hợp khó khăn tiếp cận được gói an sinh, giúp bà con phần nào giải quyết được khó khăn.

“Mức hỗ trợ chưa nhiều nhưng là tình cảm, tấm lòng, sự chăm lo của TP”, ông nói.

Làm gì để ngăn thông tin không lành mạnh trên YouTube, Facebook?

Thượng tọa Thích Minh Thành đặt câu hỏi năm mới sắp đến, TP làm gì để hạn chế tội phạm, đặc biệt là thông tin không lành mạnh trên nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook, Instagram.

Trả lời chất vấn của thượng tọa Thích Minh Thành, ông Phan Văn Mãi cho biết ban đầu, TP dự báo có nhiều tình huống về an ninh chính trị, trật tự xã hội, sau thời gian trải qua dịch bệnh, đời sống người dân dần phục hồi, an ninh chính trị trên địa bàn đã được đảm bảo.

 Thượng tọa Thích Minh Thành chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Phạm Ngôn.

Thượng tọa Thích Minh Thành chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Phạm Ngôn.

Từ kết quả của năm 2021, TP rút ra làm sao để người dân tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, vai trò của chính quyền cơ sở là điều hành các công việc của thế trận an ninh nhân dân, vai trò tham mưu nòng cốt của công an rất quan trọng.

Theo ông Mãi, sau dịch, đời sống khó khăn dẫn đến tình trạng tội phạm trên địa bàn gia tăng. Do đó, thời gian tới, các đơn vị xã, phường, thị trấn tiếp tục là lực lượng ứng phó tình hình; công an có vai trò tham mưu nồng cốt, chủ trì lực lượng, nắm đối tượng, bằng biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, băng nhóm và đặc biệt là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ.

Ông Mãi cho hay hàng năm ngành công an có kế hoạch phòng chống tội pham bảo đảm an ninh trật tự cho các ngày lễ lớn, Tết. Lực lượng công an đang tiếp tục triển khai, tham mưu chính quyền kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị.

Về truyền thông, ông Mãi cho rằng cần tuyên truyền, vận động nhiều hơn đến nhân dân về Luật An ninh mạng. Từ đó, người dân ý thức tham gia, lan tỏa những thông điệp tích cực, tốt đẹp.

Thời gian qua, TP đã xử lý nhiều hành vi vi phạm trên không gian mạng, nhưng so với tác động từ hành vi vi phạm gây ra, việc xử lý chưa được nhiều hiệu quả. Do đó, TP đang kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền Thông xử lý các nhà mạng quản lý các nội dung gây ảnh hưởng đời sống xã hội.

Nếu làm Vành đai 3 bằng PPP phải mất 29 năm

Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh đặt câu hỏi về việc bên cạnh phục hồi kinh tế thì lãnh đạo TP cũng quan tâm giao thông trọng điểm. Trong phiên chất vấn sáng nay, liên quan dự án Vành đai 2, 3, báo cáo của Sở KHĐT cho thấy tình hình rất khó khăn, không rõ thời điểm bố trí vốn.

“Với sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri TP, Chủ tịch UBND TP.HCM có giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án Vành đai 2, 3?”, đại biểu đặt câu hỏi.

 Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trả lời vấn đề này, ông Mãi cho biết với dự án Vành đai 2, TP cố gắng trong năm 2022 cân đối nguồn vốn để khởi động, hoàn thành trong nhiệm kỳ này.

Với Vành đai 3, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho TP và các địa phương nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ông Mãi cho biết vừa rồi TP cùng Long An, Bình Dương, Đồng Nai nghiên cứu PPP thì nhận thấy hình thức đầu tư này chưa khả thi vì phải mất đến 29 năm để thực hiện.

TP đã báo cáo với lãnh đạo các địa phương để nghiên cứu, tiếp cận đầu tư công nhằm thực hiện Vành đai 3, quyết tâm thực hiện trong 2021-2025, nếu ngân sách Trung ương khó khăn thì sẽ cân đối nguồn vốn địa phương để giải phóng mặt bằng.

“Chúng tôi hiểu Vành đai 3 rất quan trọng, là động lực phát triển cho TP.HCM và vùng trọng điểm kinh tế phía nam”, ông Mãi khẳng định.

Khơi thông nguồn vốn đầu tư tư nhân

Đại biểu Võ Thị Trung Trinh đặt vấn đề TP đang thiếu nguồn vốn cho các dự án và cần làm sao khai thác nguồn lực tư nhân.

Ông Mãi cho biết TP nhận thức nguồn lực xã hội là cực kỳ lớn và rất quan trọng nên cần cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính để giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông nguồn vốn này.

Với các dự án đang tồn đọng, ông Mãi cho biết tổ công tác đầu tư, giải quyết khó khăn vướng mắc tập trung phân nhóm giải quyết. Từ ngày 1/10 đến nay, gần 2 tháng, mỗi tuần tổ này giải quyết được 7-10 hồ sơ.

 Đại biểu Võ Thị Trung Trinh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đại biểu Võ Thị Trung Trinh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, TP sẽ rà soát, phân loại lại trên tinh thần dự án nào có thể đầu tư tư nhân hoặc hợp tác công tư thì kêu gọi đầu tư. TP sẽ cải cách hành chính, đồng hành với nhà đầu tư để giải quyết khó khăn. Bằng cách này, ông cho rằng có thể thu hút nhiều hơn đầu tư tư nhân.

Đại biểu Trần Quang Thắng đặt câu hỏi về việc TP hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền thế nào? Ngoài ra, thủ tục hành chính hiện còn quá nhiều cửa, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị TP sớm giải quyết vấn đề này.

Ông Mãi cho biết hàng năm, UBND TP có quyết định phân cấp và có kiểm tra, có cơ chế để thực hiện. Năm 2021, TP làm tương đối tốt việc phân cấp, ủy quyền. Một trong những nội dung quan trọng năm 2022 là tiếp tục phân cấp, ủy quyền để chủ động hơn trong giải quyết, phối hợp, thực hiện các công việc.

Dự kiến sau kỳ họp HĐND, UBND TP.HCM triển khai tổng kết năm. Trước đó, UBND sẽ tổ chức phiên bàn về nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, đồng hành với doanh nghiệp. Trong đó, TP bàn về phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Thu Hằng - Thư Trần

Ảnh: Phạm Ngôn.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-tich-tphcm-an-sinh-xa-hoi-chua-tron-voi-ba-con-post1282149.html