Chủ tịch TP.HCM chấn chỉnh các bệnh viện từ chối F0 nặng
'Khi các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời, bệnh viện không tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng, thậm chí rất nặng dẫn đến tử vong', ông Nguyễn Thành Phong nói.
Sáng 17/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, họp định kỳ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 6h ngày 16/7 đến 6h ngày 17/7, thành phố phát hiện hơn 2.800 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Phần lớn số ca bệnh nằm trong khu cách ly, phong tỏa (81,34%); 420 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện.
Thành phố đang điều trị cho 20.800 trường hợp dương tính; 306 ca thở máy; và 8 trường hợp phải can thiệp ECMO.
Trách nhiệm tiếp nhận F0 trở nặng
Về điều trị, ông Phong cho biết mối quan tâm lớn nhất của thành phố hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn, giảm tử vong. Chiều 16/7, ông đã làm việc với Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM phụ trách điều trị để khẩn trương rà soát quy trình tiếp nhận F0, đặc biệt là chuyển F0 trở nặng về các bệnh viện điều trị Covid-19.
"Khi các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời của quận, huyện, các đồng chí gọi về bệnh viện thì bệnh viện không tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng, thậm chí rất nặng dẫn đến tử vong", Chủ tịch TP.HCM nói và cho biết hôm qua, ông "đã có lời đến tất cả giám đốc bệnh viện", nhắc nhở trách nhiệm nếu không tiếp nhận khi bệnh viện còn thừa giường.
Trước tình hình đó, ông Phong yêu cầu Sở Y tế xây dựng bản đồ khu cách ly tạm thời tại các bệnh viện; bệnh viện dã chiến điều trị F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ; bệnh viện điều trị F0 nặng và bệnh viện hồi sức tích cực.
Ông cũng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập hệ thống quản lý điều phối F0 trên toàn địa bàn do Trung tâm cấp cứu 115 vận hành. Mục tiêu là kịp thời điều phối F0 đến các bệnh viện gần nhất và nhanh nhất.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng vấn đề đã kết luận rõ ràng và trên cơ sở đó, tình hình hiện nay sẽ được giải quyết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khu phong tỏa là "không ít", người dân còn giao lưu với nhau. TP đã kiên quyết yêu cầu các địa phương giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Đồng thời, địa phương phải tăng cường tổ Covid-19 cộng đồng để kiểm tra, giám sát tại những khu vực này.
Đến nay, TP đã lấy 1,9 triệu mẫu xét nghiệm PCR, trong đó có 250.000 mẫu đang chờ kết quả. Test nhanh đã thực hiện với số lượng khoảng 1,2 triệu.
Thành phố lo nhất khâu điều trị
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và các cơ sở điều trị tại thành phố đã có dấu hiệu "quá tải". Thành phố đang mua, nhập nhanh nhất có thể những thiết bị đang không đủ cung ứng, đặc biệt liên quan đến hồi sức cho bệnh nhân nặng.
Ông cho biết cả hệ thống chính trị đều tăng cường xuống tận cơ sở để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Tuy nhiên, lác đác chỗ này, chỗ khác còn xuất hiện người dân tụ tập.
Bí thư Nên chia sẻ mới đây ông nhận được một video clip cho thấy khi một khu vực có người xuất hiện, phân phối lương thực, thực phẩm thì mọi người tập trung rất nhanh và đông, phân phối xong lại ai về nhà nấy.
Ông đề nghị lãnh đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, phân công cho lực lượng theo tinh thần 5 tại chỗ để tự quản. Khi ai đến khu phong tỏa, cách ly mà có thể dẫn đến tụ tập thì phải có kiểm soát cụ thể.
"Nếu cứ truy vết những chỗ lây khác mà khu phong tỏa dịch vẫn phát triển thì rất khó kết thúc dịch trong thời gian đề ra", ông Nên nói.
Lãnh đạo TP yêu cầu qua kiểm tra, phát hiện nơi nào không thực hiện nghiêm thì xử lý nghiêm khắc hơn.
"Hiện, việc lo nhất của thành phố là khâu điều trị bệnh nặng để hạn chế tử vong, chuẩn bị tình huống nếu có tử vong thì lo lắng chu đáo theo điều kiện cụ thể của từng nơi. Nhưng cũng có một số nơi làm chưa tròn bởi nhiều lý do, nhưng có nguyên nhân từ trách nhiệm", Bí thư Nên nhận định.
Ông yêu cầu tăng kiểm tra, giao lực lượng ở dưới giám sát, phân công lẫn nhau. Trong khu cách ly, phong tỏa đông thì phải có người chỉ huy để xử lý.
"Chúng ta đang cố gắng thực hiện thật nghiêm, đừng để phát sinh vấn đề trong quá trình tổ chức tại địa bàn", ông nhắc nhở.
Giảm áp lực tại chợ, siêu thị
Về cung ứng hàng hóa, theo lãnh đạo TP.HCM, sức mua tại chợ truyền thống ngày 16/7 giảm 10% do người dân ít ra ngoài, giá chợ cao hơn so với siêu thị. Mãi lực tại các siêu thị cũng giảm 5-10%, không còn tình trạng xếp hàng ùn ứ như các ngày trước. Sở Công Thương đang kết hợp các quận, huyện tổ chức lại chợ với hình thức phân ô kẻ vạch.
Đến 16/7, TP đã chi hỗ trợ cho 220.000/232.000 người với số tiền 330 tỷ đồng cho người lao động gặp khó khăn, lao động tự do. Các quận, huyện cũng chủ động vận động nguồn lực xã hội với hơn 100 tỷ đồng để chăm lo cho người dân.
Về đảm bảo an toàn trong sản xuất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện quy định "3 tại chỗ" và "2 địa điểm 1 cung đường". TP hiện chỉ còn 586/440.000 doanh nghiệp hoạt động với 70.000 công nhân.
Riêng tại khu chế xuất, khu công nghiệp, 680 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 85.000 công nhân.
Thành lập cơ sở điều trị Covid-19 tại Bệnh viện 175
Theo ông Nguyễn Thành Phong, do số F0 tăng nhanh gây áp lực cho ngành y tế, TP đã thiết lập bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng với 1.000 giường tại TP Thủ Đức. TP cũng đang có cơ sở điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với 300 giường và Bệnh viện Chợ Rẫy với 300 giường.
Tuy nhiên, Sở Y tế đề xuất TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng và báo cáo Chính phủ xin phép thiết lập thêm bệnh viện chữa trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện 175. Đến sáng 17/7, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận việc này. TP cũng đã tiếp nhận chi viện từ các tỉnh thành với 172 y, bác sĩ từ Hà Nam, Thái Bình…