Chủ tịch TP.HCM thông tin về bộ máy TP Thủ Đức, tiến độ các dự án trọng điểm
Tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đại biểu Mặt trận nêu thực tế nhiều vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc như cải cách hành chính, bộ máy TP Thủ Đức, tiến độ các dự án, công trình trọng điểm...
Sáng 3-10, tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM lần thứ XI, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có buổi đối thoại với đại biểu MTTQ các cấp để thông tin, giải đáp nhiều vấn đề được người dân quan tâm.
“TP Thủ Đức càng quá tải hơn khi ủy quyền”
Đối thoại với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đại biểu (ĐB) Nguyễn Kiến Trinh nêu thực tế việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp còn chưa đạt yêu cầu.
“Dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn tình trạng sợ trách nhiệm, chưa dám xông pha của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu trong thực thi công vụ, thậm chí còn có những dư luận về nhũng nhiễu ở một số ngành, lĩnh vực”- ông Trinh nói và mong TP.HCM có giải pháp cải thiện.
Cũng theo ĐB Nguyễn Kiến Trinh, TP Thủ Đức đã thành lập được bốn năm nhưng do vướng các cơ chế, chính sách nên địa phương này còn nan giải với nhiều vấn đề như đầu tư công trình giao thông, cải cách thủ tục hành chính…
“Việc giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người dân còn chưa được như kỳ vọng. Vậy ngoài cơ chế Nghị quyết 98 thì TP.HCM có giải pháp nào để TP Thủ Đức phát triển nhanh hơn nhằm đáp ứng kỳ vọng của người dân?” - ông Trinh đặt vấn đề.
Trả lời ĐB, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng TP.HCM đã có nỗ lực nhưng người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng, bản thân TP cũng chưa hài lòng.
Lý giải, ông Mãi nêu thực tế trung bình một năm TP.HCM có khoảng 22 triệu hồ sơ, thủ tục hành chính và khối lượng công việc của cán bộ phường, xã cao gấp 2,6 lần so với cả nước.
Chủ tịch TP.HCM cho biết TP đã có kế hoạch hằng năm, đề ra nhiều giải pháp và thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung công nghệ để giảm khối lượng công việc cho công chức, viên chức. TP.HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 70% các giao dịch công dân thực hiện trên nền tảng số nhằm giám sát chất lượng, tiến độ và hạn chế phát sinh.
Về cơ chế cho TP Thủ Đức, ông Mãi nhìn nhận TP Thủ Đức ba năm đầu tiên sau khi thành lập chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Sau khi có Nghị quyết 98, UBND TP.HCM đã ủy quyền cơ bản nhiều cơ chế, chính sách cho TP Thủ Đức.
“Tuy nhiên, ủy quyền là một chuyện còn năng lực tiếp nhận để thực thi, giám sát là chuyện khác. Tình trạng quá tải ở TP Thủ Đức càng quá tải hơn khi ủy quyền. Hiện UBND TP.HCM đã tăng cường lực lượng sở ngành về, hướng dẫn tháo gỡ và sẽ cần thêm thời gian” - ông Mãi nêu thực tế.
Ông Mãi cũng cho biết TP.HCM đang nghiên cứu Nghị quyết 131 về chính sách quản trị đô thị. Theo ông, đây là một phần trong việc quản trị và phát triển đô thị TP.HCM, đồng thời là tiền đề để TP đề nghị có Luật Đô thị đặc biệt TP.HCM.
“Năm 2025 chúng ta sẽ tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết 131 một cách kỹ lưỡng, từ đó có cơ sở đề nghị Trung ương cho một Nghị quyết mới rộng hơn, đủ bao chứa và đủ mạnh cho sự phát triển của TP.HCM” - ông Mãi khẳng định.
Thông tin tiến độ các công trình, dự án, đề án trọng điểm
Cũng tại buổi đối thoại, ĐB Lương Thị Mỹ Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin về một số công trình trọng điểm có tác động lớn đến đời sống người dân. Qua đó, giúp MTTQ cơ sở thực hiện tốt hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết cùng thực hiện.
Trả lời ý kiến của ĐB, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM đã chọn ra 42 công trình dự án trọng điểm, năm đề án quan trọng cần tập trung và ba đề án để điều hành.
“TP.HCM sẽ cố gắng đến cuối năm 2025 phải hoàn thành những dự án, đề án này hoặc được khởi công” - ông Mãi nói.
Cụ thể, TP.HCM sẽ khép kín Vành đai 2 để đến năm 2025 khởi công các đoạn còn lại. Dự án Vành đai 3 đang theo tiến độ Nghị quyết của Quốc hội, dự kiến đến đầu năm 2026 sẽ thông xe kỹ thuật và trong quý II-2026 thì khánh thành toàn tuyến.
Vành đai 4 sẽ phấn đấu khởi công trong năm 2025 và đang chờ Quốc hội thông qua toàn dự án ở năm địa phương để có chính sách chung và có cơ chế vốn hỗ trợ. Trong đó, TP.HCM cũng sẽ khởi công hạng mục của Vành đai 4 đoạn qua TP.HCM vào năm 2025 và sẽ hoàn thành năm 2027, hoàn thành tất toán năm 2028.
Ông Mãi cũng cho biết TP.HCM sẽ tập trung cùng với các địa phương trong vùng để hoàn thành, mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hoàn thiện cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành, xây mới cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, xây mới cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
“Cao tốc Bến Lức - Long Thành năm sau sẽ hoàn thành, các cao tốc còn lại sẽ khởi công và hoàn thành trước năm 2030” - ông Mãi thông tin.
Về dự án Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, người đứng đầu chính quyền TP cho biết TP sẽ đảm bảo tiến độ để khánh thành trước ngày 30-4-2025. Dự kiến tháng 11-2024, TP cũng sẽ khởi công dự án rạch Xuyên Tâm, đoạn qua quận Gò Vấp và đến 30-4-2025 sẽ khánh thành đoạn này.
Ngoài ra, TP.HCM đang nghiên cứu dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch và chỉnh trang các kênh rạch trên địa bàn. Đồng thời sẽ khởi công dự án bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) vào năm 2025.
Trong năm đề án trọng điểm của TP.HCM, ông Mãi cho biết hôm qua (2-10) Chính phủ đã thông qua đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đề án này được xây dựng nhằm làm cơ sở để bổ sung quy hoạch cảng biển và xây dựng dự án đầu tư.
Về đề án đường sắt đô thị, TP.HCM đã trình thường trực Chính phủ, Chính phủ sẽ họp cho ý kiến sớm và trình Quốc hội trong kỳ họp 8. TP.HCM dự kiến sẽ đề xuất Quốc hội có một Nghị quyết thí điểm về trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Tiếp thu góp ý bằng sự minh bạch và trách nhiệm giải trình
Trao đổi với ĐB, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gợi mở về việc có diễn đàn Nhân dân, chương trình "Sáng kiến Nhân dân xây dựng TP" để huy động nguồn lực, trí tuệ từ người dân.
“Tôi rất trân trọng ý kiến, trí tuệ và sự đóng góp của nhân dân. Tôi cho rằng nếu TP tiếp tục có cách khơi, có cách để nghe, tiếp nhận thì chắc chắn sự đóng góp của người dân sẽ còn lớn hơn nữa và TP sẽ phát triển hơn nữa”- ông Mãi nói.
Ngoài việc cần có diễn đàn huy động nguồn lực, sáng kiến từ người dân, ông Mãi cho rằng cần có cơ chế tiếp thu, lắng nghe và thực hiện các góp ý. Ông khẳng định, TP.HCM sẽ tiếp tục cải thiện việc này bằng sự minh bạch và bằng trách nhiệm giải trình.
“TP sẽ có báo cáo cụ thể trong tháng, trong quý, tiếp nhận bao nhiêu ý kiến, đã thực thi đến đâu và sắp tới như thế nào. Nếu chúng ta giữ được cơ chế đối thoại, diễn đàn để trình bày với nhau thì chắc có lẽ sẽ hiệu quả hơn, chẳng những có sự thấu hiểu, chia sẻ với nhau mà còn cùng giám sát, nhắc nhở, hỗ trợ nhau” - ông Mãi gợi mở.