Chủ tịch TP Hội An: Không bán vé thì lấy tiền đâu để đầu tư di sản

'Nguồn thu bán vé của Hội An nếu không kiểm soát sẽ sụt giảm rất nhiều. Năm 2019, TP thu gần 300 tỷ từ việc bán vé, nhưng năm nay dù khách đến rất đông nhưng 3 tháng đầu năm chỉ gần 40 tỷ', ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Chiều 11/5, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã thông tin về công tác tổ chức quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, bán vé tham quan vào phố cổ Hội An đã được thành phố triển khai từ 1995 đến nay (đã gần 30 năm), giá vé được thực hiện từ năm 2012 với giá 80.000 đồng cho khách Việt Nam, 120.000 đồng cho du khách nước ngoài.

Sự chệnh lệch giá giữa quốc tế và trong nước là do nhu cầu người nước ngoài muốn tham quan nhiều công trình hơn so với du khách trong nước. Do đó, thành phố cũng đã tổ chức các điểm tham quan ở Hội An cho khách quốc tế nhiều hơn so với khách trong nước.

Hiện giá vé tham quan ở Hội An đã rẻ nhất trong 8 di sản ở Việt Nam. Đơn cử như: Vịnh Hạ Long giá 250.000 đồng/vé, Huế 200.000 đồng/vé khi vào đại nội; Tràng An có giá 250.000 đồng/vé, Mỹ Sơn 120.000 đồng/vé… "Trải qua 11 năm rồi, Hội An không thay đổi giá vé và có mức giá vé thấp nhất so với các di sản trong nước", ông Sơn nói.

Du khách quốc tế mua vé tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Thành Vân.

Du khách quốc tế mua vé tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Thành Vân.

Theo ông Sơn, nhiều người đặt câu hỏi rằng Hội An là khu phố sống, có nên bán vé tham quan? Tuy nhiên, trên thế giới hiện có rất nhiều thành phố sống bán vé tham quan, như Phượng Hoàng Cổ Trấn, Cù Lao Chàm… Cái khó của Hội An có quá nhiều đường vào di sản, nên bán được vé vào phố cổ cũng rất khó khăn.

"Không bán vé thì lấy tiền đâu để đầu tư di sản. Thực tế 30 năm qua, từ thành phố bên bờ sụp đổ, Hội An đã được trùng tù, chỉ còn 1 vài căn nhà do anh em tranh chấp không thể trùng tu", ông Sơn nói và cho biết thêm, việc trung tu di sản hết sức khó khăn và tốn kém.

Chủ tịch Hội An cho biết, việc tăng cường quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An nhằm đảm bảo yêu cầu bảo tồn di sản. Bởi hiện nay quá xô bồ, nhếch nhác. Trước đây Hội An được du khách đánh giá yên bình. Tuy nhiên, áp lực từ lượng khách tăng cao đang đè nặng lên di sản, khiến di sản xuống cấp.

"Việc mua vé nhằm đảm bảo công bằng giữa người mua vé và không mua vé, giữa công ty lữ hành mua vé và không mua vé", ông Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, tất cả các công ty lữ hành biết Hội An tổ chức bán vé, nhưng sau 2 năm dịch bệnh, nhiều đơn vị lữ hành lợi dụng sự tử tế của Hội An, đối xử không công bằng với thành phố này. Các đơn vị này đã chia nhỏ các đoàn ra để không mua vé, hay quảng bá du khách Hội An là điểm không cần mua vé…

"Nguồn thu bán vé của Hội An, nếu không chấn chỉnh, kiểm soát sẽ sụt giảm rất nhiều. Như năm 2019, Hội An thu gần 300 tỷ đồng từ việc bán vé, nhưng năm nay, dù khách đến rất đông nhưng 3 tháng đầu năm 2023 chỉ bán gần 40 tỷ đồng", ông Sơn nêu.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An. Ảnh: Thành Vân.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An. Ảnh: Thành Vân.

Tập trung kiểm soát khách đoàn

Ông Sơn thông tin, trong phố cổ hiện có 30% là chủ sở hữu ở Hà Nội, Sài Gòn mua để cho thuê. Và có khoảng 40% chủ là người Hội An, nhưng đã ra ngoài ở và cho thuê. Điều này làm cho phố cổ mất hồn di sản, trước đây có 3 chức năng là ở, thờ cúng, kinh doanh. Bây giờ chỉ còn kinh doanh.

"Chúng tôi rất lo về vấn đề này và đang xây dựng phương án đưa người dân vào phố cổ ở để tăng hồn di sản lên", ông Sơn nói và cho biết sẽ có những chính sách hỗ trợ người dân quay trở lại phố cổ sinh sống.

Về cách thực hiện bán vé, ông Sơn cho biết, thành phố sẽ triển khai chặt chẽ nhưng đầy nhân văn. Không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, cứng nhắc gây ảnh hưởng đến hình ảnh Hội An.

"Chúng tôi tập trung kiểm soát khách đoàn. Còn khách đi lẻ, chúng tôi sẽ mời, nếu mua thì tốt, không thì thôi. Khách đi vào mục đích khác như: ăn tối, cafe, hình cưới thì không cần mua vé", ông Sơn khẳng định và cho biết, thành phố không nhận diện người Hội An, chỉ tính toán cho người nước ngoài đang sinh sống ở Hội An, được sử dụng ra vào nhiều lần.

Ông Sơn cho biết thêm, thành phố sẽ tăng cường hướng dẫn, chào mời. Trong đó, thành phố tổ chức bán vé từ xa, gồm 2 điểm là bãi xe Lý thường Kiệt và bãi xe Thanh Hà. Đồng thời, tổ chức trung chuyển với 3 điểm đón trả. "Sẽ có lực lượng hướng dẫn cho du khách đi vào phố cổ. Không để khách đi vào các lối nhỏ, ngõ hẻm", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, thành phố đã tổ chức lấy ý kiến người dân trong phố cổ, đông đảo người dân ở các tuyến đường chính phố cổ đều đồng tình ủng hộ việc bán vé. Các đơn vị lữ hành cũng đồng tình, tới đây các đơn vị này sẽ cơ cấu đầy đủ vào tour của mình.

Đặc biệt, các khách sạn cũng đồng tình ủng hộ và cam kết tuyên truyền cho du khách về việc mua vé tham quan phố cổ. Hơn nữa, các khách sạn đề xuất lấy vé về bán cho du khách.

Cũng tại buổi gặp mặt, UBND TP. Hội An thông tin về việc triển khai thực hiện Mở rộng không gian đề án "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" tại tuyến đường Phan Châu Trinh từ ngày 15/5/2023.

Cụ thể, giai đoạn 1 triển khai từ ngày 15/5/2023. Thời gian hoạt động từ 17h30 đến 21h30 mùa hè và đến 21h00 mùa đông, vào tất cả các ngày trong tuần. Không gian hoạt động từ ngã tư đường Nguyễn Huệ - Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh.

Giai đoạn 2, dự kiến thực hiện từ ngày 1/1/2024. Thời gian hoạt động từ 15 đến 21h30 mùa hè và đến 21 mùa đông, vào tất cả các ngày trong tuần. Không gian hoạt động từ ngã ba đường Hoàng Diệu - Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh.

Lãnh đạo UBND TP. Hội An cho biết, đề án này được kỳ vọng tạo thêm một không gian trải nghiệm văn hóa, du lịch, ẩm thực hấp dẫn; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế lưu lượng xe cộ, khói bụi và tiếng ồn tại khu vực trung tâm; xây dựng hình ảnh Hội An - điểm đến du lịch xanh, an toàn, thân thiện trong mắt nhân dân và du khách.

Theo Thành Vân/Nhà đầu tư

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/chu-tich-tp-hoi-an-khong-ban-ve-thi-lay-tien-dau-de-dau-tu-di-san-172980.html