Chủ tịch TPHCM: Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nền hành chính
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định tính cấp thiết nắm bắt các xu hướng tiến bộ, do vậy phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của nền hành chính thành phố.
Ngày 7/3, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị thủ trưởng các sở ngành, quận huyện, thành viên ban chỉ đạo CCHC thành phố tiếp tục rà soát, phân tích các mặt được và chưa được để hoàn thiện, bổ sung kế hoạch 2024 của sở ngành, địa phương để làm tốt hơn công tác này.
Ông Mãi nhấn mạnh, công tác CCHC ở TPHCM không có điểm kết thúc mà phải luôn được tiếp tục cải tiến và phải được thúc đẩy bởi yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, cũng như yêu cầu phát triển của thành phố.
“Đơn vị làm tốt công tác CCHC hôm nay nếu không tiếp tục duy trì, không tiếp tục đổi mới cải tiến sẽ bị tụt hậu ngày mai”, ông Mãi lưu ý.
Xây dựng đề án nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả
Về nhiệm vụ CCHC TPHCM năm 2024, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố đã ban hành kế hoạch với 21 chỉ tiêu, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 98 nhiệm vụ cụ thể và cũng đã phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan.
Trong đó, ông Mãi đề nghị thủ trưởng các sở ngành, quận huyện trên địa bàn rà soát, cập nhật và triển khai kế hoạch CCHC năm 2024 của ngành và địa phương mình, kết hợp với các nhiệm vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh sở ngành, quận huyện. Điều này nhằm mục tiêu cuối cùng là đạt được sự hài lòng và khen ngợi của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, từng cơ quan, sở ngành, các quận huyện và kể cả các xã phường, thị trấn cũng phải có kế hoạch đưa tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) lên nền tảng số, vận hành có hiệu quả Hệ thống thông tin và giải quyết TTHC thành phố, liên thông, kết nối với quốc gia; hướng đến mục tiêu đến cuối năm 2025 hoạt động của nền hành chính TPHCM cơ bản diễn ra trên nền tảng số, xây dựng chính quyền số.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng nêu rõ, năm 2025 là năm tập trung cao, điều chỉnh để cuối năm phải đạt mục tiêu là cơ bản hoạt động nền hành chính phải diễn ra trên nền tảng số.
Đi liền với đó là tiến hành rà soát để đơn giản hóa thủ tục, tái cấu trúc quy trình nội bộ, số hóa hồ sơ, đồng bộ dữ liệu, công khai danh mục kết quả giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý phải đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm các công chức viên chức, lãnh đạo các cơ quan gắn với đánh giá và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của sở ban ngành, quận huyện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra, thanh tra nội bộ và thanh tra ngành.
Ông Phan Văn Mãi cũng yêu cầu chú trọng các kết quả của Chương trình chuyển đổi số, Đề án 06 vào trong hoạt động CCHC, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ AI trong hoạt động của nền hành chính.
Theo ông Mãi, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn đã sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và rất thành công; giúp giảm chi phí, quản lý được công việc, quản lý được hiệu quả, thậm chí từ đó cảnh báo rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
“Do đó, chúng ta phải bắt lấy xu hướng này, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt nghiên cứu AI trong hoạt động của nền hành chính thành phố; triển khai các ứng dụng trong tổng thể kiến trúc chính quyền số của thành phố”, ông Phan Văn Mãi lưu ý.
Cuối cùng, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thiện và triển khai đề án nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả. Ông cho đây là sự chuẩn bị cho sự phát triển tương lai.
“Một thành phố được gọi là siêu đô thị thì bên cạnh hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, chúng ta phải tính toán đến một nền công vụ thích ứng với quy mô thành phố, với mô hình tổ chức bộ máy ấy để làm sao chúng ta hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, ông Mãi nói.
Trong năm 2023, tổng số hồ sơ các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn TPHCM nhận giải quyết trong kỳ là 22.583.451 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 22.509.223 hồ sơ và đang giải quyết trên 74,7 nghìn hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết có trên 22,4 triệu hồ sơ giải quyết đúng hạn (chiếm tỷ lệ 99.84%) và trên 37,6 nghìn hồ sơ giải quyết quá hạn (chiếm tỷ lệ 0,16%).