Chủ tịch TPHCM: Tận dụng tốt Nghị quyết 98 để đón đầu 'đại bàng tỷ đô'

Chủ tịch TPHCM thông tin đang có tín hiệu về việc 2 nhà đầu tư lớn là Intel và Samsung quay trở lại với thành phố, với những gói đầu tư 2-3 tỷ USD.

Chiều nay (27/8), Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM họp sơ kết một năm.

Tại phiên họp, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 98 trao cho thành phố cơ hội mở ra những cơ chế khơi dậy nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để được phân cấp, phân quyền nhằm chủ động hơn trong các quyết sách.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo TPHCM, dù triển khai qua một năm nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi tại phiên họp. Ảnh: CTV

Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi tại phiên họp. Ảnh: CTV

Ông Mãi lấy ví dụ, TPHCM đã xin cơ chế thực hiện các dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư) đối với lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao. Thành phố có thể kêu gọi được khoảng 1 tỷ USD nếu thực hiện tất cả dự án theo danh sách được thông qua.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, thành phố chỉ mới bắt đầu triển khai một số dự án chứ chưa có cái nào hoàn thiện. Nguyên nhân là các sở và địa phương còn chậm.

Một vấn đề khác TPHCM còn vướng là trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược, lên danh mục lĩnh vực được ưu đãi và cơ chế, chính sách đi kèm. Theo ông Mãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban đầu chưa đồng ý với thành phố về danh mục ngành nghề ưu tiên. Nhưng sau khi thành phố kiên trì giải thích, Bộ đã đồng thuận.

"Chúng ta vẫn phải cần thống nhất với các bộ nên tiến độ còn chậm. Thành phố xác định sẽ gỡ được điểm nghẽn này trong quý 3 năm nay. Nếu gỡ được, mới có thể bàn việc thu hút nhà đầu tư cho cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu công nghệ cao" - ông Mãi khẳng định.

Đồng thời, người đứng đầu chính quyền TPHCM thông tin rằng, đang có tín hiệu về việc tập đoàn Intel và Samsung sẽ trở lại thành phố, với những gói đầu tư 2-3 tỷ USD.

"Trước đây, Intel đã rời thành phố với gói đầu tư hơn 4,3 tỷ USD để đi sang Ba Lan, và bây giờ họ muốn trở lại. Tuy nhiên, để hấp dẫn 2 nhà đầu tư chiến lược này, thành phố phải tận dụng tốt các chính sách, cơ chế từ Nghị quyết 98” - ông Mãi bày tỏ.

Chọn 7 vị trí làm TOD

Ông Mãi cũng cho biết, Ban cán sự UBND TPHCM đã thông qua 7 vị trí để triển khai TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng có tốc độ cao và khối lượng lớn...) dọc tuyến metro số 1, 2 và Vành đai 3. Nếu triển khai tốt, riêng với đất đai sẽ thu về vài trăm nghìn tỷ đồng.

Do đó, ông Mãi yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan cần nghiên cứu cơ bản, nhanh chóng quy hoạch các vị trí TOD này. Sau đó sẽ quy hoạch đất, đền bù giải phóng mặt bằng rồi đấu thầu thu lại giá trị từ đất.

Trước mắt, TP Thủ Đức sẽ được chọn để thí điểm triển khai 2 vị trí TOD trước rồi nhân rộng ra các vị trí còn lại.

Kết quả sau 1 năm triển khai Nghị quyết 98:

Về lĩnh vực quản lý đầu tư đang triển khai 4 cơ chế, bao gồm: bố trí vốn đầu tư công 3.794 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc các tuyến Metro; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; thông qua 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu.

Nhóm cơ chế về tài chính, ngân sách nhà nước có 12 cơ chế, đã và đang triển khai 5/12, bao gồm: bố trí vốn đầu tư công 1.500 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỷ đồng; hỗ trợ cho tỉnh Điện Biên 75 tỷ đồng để thực hiện một số công trình; hỗ trợ Cuba 10 bộ máy vi tính, 500 xe đạp và 500 tấn gạo.

Nhóm cơ chế về quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường có 13 cơ chế, đã và đang triển khai 7/13, bao gồm: chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cho 1 dự án với diện tích là 0,04ha; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ nhà ở xã hội; 5 đơn vị đăng ký thực hiện chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện cho 5 nhà máy; 2 dự án được bổ sung mục tiêu đốt rác phát điện.

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có 1 cơ chế. Thành phố đã xây dựng mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược và đang lấy ý kiến các bộ và cơ quan có liên quan và cập nhật lại biểu mẫu theo các quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2023.

Nhóm cơ chế về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo có 2 cơ chế, đang triển khai cả 2. Đối với hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên đã nhận được 48 hồ sơ đăng ký hợp lệ. Hội đồng tư vấn đã tuyển chọn được 21/48 hồ sơ và bước đầu hỗ trợ cho 15/21 hồ sơ.

Nhóm cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố có 10 cơ chế, đang triển khai 9/10. Thành phố đã cơ bản hoàn thành việc thành lập thêm cơ quan chuyên môn và sắp xếp đơn vị công lập với việc thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số; bổ sung 1 Phó chủ tịch HĐND, 1 Phó chủ tịch UBND cho TP Thủ Đức, 1 Phó chủ tịch UBND cho 2 huyện (Cần Giờ, Hóc Môn), 51/52 Phó chủ tịch UBND đối với 51/52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50 nghìn người trở lên.

Nhóm cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền TP Thủ Đức có 2 nhóm cơ chế về phân cấp, ủy quyền và về tổ chức bộ máy. Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành các nhóm cơ chế này.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-tphcm-tan-dung-tot-nghi-quyet-98-de-don-dau-dai-bang-ty-do-2316124.html