Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga: Dụng ý của những lễ tân ngoại giao chưa từng có tiền lệ

Những nghi thức lễ tân ngoại giao đặc biệt phía Nga thực hiện để đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy Moscow rất cần Bắc Kinh trong cục diện quốc tế hiện nay.

Lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế Vnukovo, Moscow, Nga. (Nguồn: Sputnik)

Lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế Vnukovo, Moscow, Nga. (Nguồn: Sputnik)

Tấm thảm rộng 3m

Ngày 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình ngay sau khi tái đắc cử Chủ tịch nước Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba.

Về phía Nga, đây là chuyến thăm của nguyên thủ nước ngoài ở cấp cao nhất đến Moscow kể từ khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2/2022.

Chuyến thăm cấp nhà nước là chuyến thăm chính thức của nguyên thủ quốc gia tới một quốc gia nước ngoài khác theo lời mời của người đứng đầu quốc gia nước ngoài đó. Các chuyến thăm cấp nhà nước được coi là biểu hiện cao nhất của mối quan hệ song phương và có đặc trưng là các nghi thức lễ tân trang trọng.

Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov lưu ý rằng đây là sự kiện lớn trong quan hệ song phương và khẳng định bản chất đặc biệt của quan hệ đối tác Nga-Trung, thể hiện qua cả những nghi thức lễ tân ngoại giao.

Đầu tiên, theo thông báo chính thức từ phía Nga, người ra đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Vnukovo-2 là Phó Thủ tướng Chính phủ Dmitry Chernyshenko.

Thông thường, Nga không coi trọng nghi thức đón tại sân bay, trừ khi có yêu cầu từ đối tác. Đối với người Nga, nội dung hội đàm và thỏa thuận được ký kết mới là ưu tiên cao nhất.

Tuy nhiên, khi đối tác của Nga có yêu cầu được đón tại sân bay thì Điện Kremlin cũng sẽ đáp ứng, tuy nhiên người được cử ra đón thường là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực có liên hệ trực tiếp với nước đối tác.

Lần này, Phó Thủ tướng Chernyshenko được cử ra đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong thành phần đón tiếp còn có Thứ trưởng ngoại giao phụ trách khu vực châu Á Andrei Rudenko, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov. Thành phần đoàn đón đông đủ và ở cấp cao như vậy cho thấy Moscow rất đề cao chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

Thứ hai, vị trí nguyên thủ nước ngoài đứng chào quốc kỳ được bố trí ngay gần phía chân cầu thang máy bay. Tấm thảm đỏ để đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng rộng khoảng 3m (thông thường là 1m hoặc 1,5m). Đây đều là những ưu tiên đặc biệt về lễ tân, chưa từng có tiền lệ mà phía Nga thực hiện để chào đón ông Tập Cận Bình.

"Nhân vật bí ẩn"

Thứ ba, và quan trọng nhất, người đầu tiên đón ông Tập Cận Bình ngay chân cầu thang máy bay được giới truyền thông coi là "nhân vật bí ẩn", bởi người này đeo khẩu trang, đứng quay lưng về phía máy quay và nói chuyện gần như trực tiếp bằng tiếng Trung với ông Tập Cận Bình không thông qua phiên dịch ngay khi lãnh đạo Trung Quốc bước xuống bậc cuối cùng của cầu thang máy bay.

Nhiều người cho rằng nhân vật bí ẩn này không phải ai khác mà là Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Anton Vaino. Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống là người bao quát toàn bộ lĩnh vực đối nội, đối ngoại của nhà nước, chưa kể, người này đặc biệt thân cận và tin cẩn đối với Tổng thống Putin.

Chiều 21/3, các chương trình hội đàm chính thức bắt đầu. Từ thành phần đoàn của phía Nga, gồm có cả Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev cho thấy các vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại được đặt lên hàng đầu trong thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.

Hai bên cũng thảo luận về việc củng cố lập trường về chiến tranh và hòa bình cũng như các vấn đề liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, sự tham gia của Phó Thủ tướng Novak, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ trưởng Tài chính có nghĩa là hai bên còn thảo luận về các vấn đề chiến lược năng lượng, lĩnh vực tài chính ngân hàng, hệ thống thanh toán liên ngân hàng, phương thức trao đổi bằng tiền nội tệ, không loại trừ cách thức ứng phó với các lệnh trừng phạt về tài chính và ngân hàng của Mỹ và phương Tây.

Ông Alexander Korolev-chuyên gia về quan hệ Trung-Nga tại Đại học New South Wales ở Sydney (Australia) nhận định: “Xung đột Nga-Ukraine đã làm gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc và khiến cho những bất đồng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn, và để đáp lại, Trung Quốc và Nga hiện đang thực sự củng cố sự liên kết của họ”. Theo chuyên gia Alexander Korolev, Trung Quốc cần Nga vì cuộc đối đầu có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với Mỹ.

Khi châu Âu và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga, thương mại của Trung Quốc với nước láng giềng đã tăng vọt trong năm qua, tăng 34,3% lên mức kỷ lục 1,28 nghìn tỷ Ruble (186 tỷ USD). Năm nay, nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga dự kiến tăng thêm 1/3.

(theo Vedomosti.ru, TASS, AFP)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-tham-nga-dung-y-cua-nhung-le-tan-ngoai-giao-chua-tung-co-tien-le-220594.html