Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Triều Tiên: Một mũi tên trúng nhiều đích
Ông Tập Cận Bình sẽ thăm Bình Nhưỡng vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này, trở thành Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đầu tiên thăm Triều Tiên trong 14 năm qua; kết quả chuyến thăm được dự đoán là 'nhất tiễn đa điêu'.
Giành lợi thế thông tin
Chuyến thăm Bình Nhưỡng diễn ra vài ngày trước khi ông Tập gặp gỡ (dự kiến) Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thượng đỉnh G20 được tổ chức cuối tháng này ở Nhật Bản và trước khi ông Trump hội đàm Tổng thống Hàn Quốc tại Seoul nhân dịp hội nghị G20.
Như vậy, ông Tập có “lưng vốn” là kết quả hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mà nhiều khả năng liên có một số nội dung trở thành con bài để chơi trong ván bài hạt nhân và chiến tranh thương mại, CNBC nhận định ngày 18/6.
Trong cuộc hội đàm với ông Kim, người quay lưng với lời kêu gọi từ bỏ chương trình hạt nhân, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đề xuất một kế hoạch cho Bình Nhưỡng và
Washington nối lại đàm phán chính thức cũng như tìm lợi thế “trên cơ” khi bàn luận với ông Trump trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu tăng nhiệt.
Harry Kazianis, chuyên gia về Triều Tiên công tác tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ), nói rằng, Chủ tịch Tập có thể “gửi một thông điệp từ ông Kim rằng, ông ấy để mở cửa cho thượng đỉnh lần ba (với Tổng thống Trump)”. Ông Tập cũng có thể chủ động hoặc được nhờ vả “bắn tin” về những điều ông Kim muốn phía Mỹ thực hiện theo kiểu “ông có chân giò bà thò chai rượu”.
Gần đây căng thẳng lại gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên. Tháng trước, Triều Tiên phóng một loạt tên lửa tầm ngắn. Mỹ coi việc thử nghiệm vũ khí này là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng “cáu tiết” với Mỹ và Hàn Quốc vì không thấy tiến triển trong việc giảm bớt lệnh cấm vận.
Bình Nhưỡng mới đây “nổi trận lôi đình” với ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, sau khi ông Bolton chỉ trích việc thử tên lửa của Triều Tiên là vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Ông Bolton cũng bày tỏ sự kiên quyết đối với việc duy trì lệnh trừng phạt Triều Tiên, trong khi nước này thúc đẩy việc hoàn toàn loại bỏ các lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên Hợp Quốc đang áp đặt. Theo giới quan sát, Bình Nhưỡng từng muốn một phần lệnh trừng phạt được dỡ bỏ để đổi lấy việc Triều Tiên phá hủy cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri hồi năm ngoái.
Ông Kim có thể muốn Triều Tiên được trợ giúp về kinh tế, bảo đảm sinh kế cho 23 triệu dân. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm khoảng 90% ngoại thương của Triều Tiên, chiếm phần lớn lượng nhiên liệu và lương thực nhập khẩu của nước này.
“Sự thật đáng buồn là Washington hoàn toàn phụ thuộc vào Bắc Kinh trong việc bảo đảm việc thực hiện chiến lược gây áp lực tối đa”, ông Kazianis nói. Theo ông, hầu hết hàng xuất khẩu của Triều Tiên đi qua Trung Quốc.
Ông Tập từng thăm Triều Tiên năm 2008 với tư cách phó chủ tịch nước, được cha của ông Kim đón tiếp.
Các chuyên gia Trung Quốc trở về từ Bình Nhưỡng tuần trước nói rằng, Triều Tiên đang chuẩn bị rất đặc biệt để đón tiếp ông Tập, báo Trung Quốc Global Times đưa tin. Phía Triều Tiên đang trang trí dọc xa lộ từ sân bay và tại Tháp Hữu nghị - tháp truyền hình ở Bình Nhưỡng do Trung Quốc xây tặng Triều Tiên. Theo kế hoạch, ông Tập sẽ thăm công trình này.
Ông Kim Jong Un và ông Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh lần 2. Hai ông đã sẵn sàng cho cuộc gặp lần 3? Ảnh: Reuters.
Mở chương mới trong quan hệ Trung-Triều
Ngày 17/6, ông Tống Đào, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại - Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng, chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập sẽ thành công, mở ra chương mới trong quan hệ hai đảng, hai nước, Xinhua đưa tin.
Trong vòng chưa đầy một năm, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên đã gặp nhau 4 lần, trao đổi sâu về quan hệ song phương và tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đạt được nhiều đồng thuận quan trọng, ông Tống nói.
Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên thực hiện đường lối chiến lược mới, tập trung phát triển kinh tế, náng cao đời sống người dân và vững bước đi theo con đường phù hợp điều kiện của Triều Tiên.
Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của giao lưu giữa hai đảng, tăng cường liên lạc chiến lược và tin tưởng lẫn nhau nhằm bảo vệ lợi ích chung, ông Đào nói.